“Nhà đầu tư đặt cổ phần Cadivi vào một canh bạc”
(Dân trí) - “Chúng tôi rất lo lắng vì có nhiều người đăng ký nhưng chưa hẳn đã chính thức đầu tư vào Cadivi mà họ chỉ mua để bán lại” - Ông Hoàng Nghĩa Đàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) cho biết trước thời điểm Cadivi lần đầu tiên bán đấu giá cổ phần ngày 30/1 tới.
Được biết, trong những ngày qua, có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cadivi. Tại sao ông lại cảm thấy lo lắng như vậy?
Chúng tôi rất mừng vì nhiều người quan tâm đến thương hiệu Cadivi, nhưng cũng rất lo lắng vì có nhiều người đăng ký nhưng chưa hẳn đã chính thức đầu tư vào Cadivi mà họ chỉ mua để bán lại.
Ở các điểm đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cadivi như: trụ sở công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tại TPHCM, Chi nhánh SSI tại Hà Nội, Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM... tôi thấy số người "choai choai" đăng kí rất đông và trong số họ, không ít người còn chưa biết gì về Cadivi.
Theo Bản công bố thông tin do Công ty Chứng khoán Sài Gòn làm tư vấn, cổ phần của Cadivi sẽ được bán đấu giá lần đầu tiên ra công chúng với số lượng 3.423.600 cổ phần. Với loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, cổ phần Cadivi có mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần, số lượng cổ phần đăng kí mua tối thiểu là 100 cổ phần, mỗi tổ chức được đăng kí mua tối đa 200.000 cổ phần, mỗi cá nhân đăng kí mua tối đa là 100.000 cổ phần. |
Tôi đã hỏi họ: Nếu không có ai mua thì sao và họ đã nói: "Không ai mua thì chúng em chấp nhận rủi ro, có nghĩa là mất tiền đặt cọc, không đáng bao nhiêu. Vì tiền đặt cọc đó kiếm được từ mấy vụ đấu giá trước".
Rõ ràng, đám người này đang tham gia chơi một canh bạc và để mua được cổ phần Cadivi, họ sẵn sàng bỏ giá rất cao nhưng nếu không ai mua thì “chết” chúng tôi. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài hết sức thận trọng khi tham gia đấu giá, đặc biệt là các quỹ đầu tư, họ đến và xem xét, nghe ngóng thông tin rất kỹ càng.
Trong bản công bố thông tin của Cadivi, lợi nhuận trước thuế của Cadivi trong năm 2005 bị sụt mất 1/3 so với năm 2004 và lợi nhuận năm 2006 chưa được công bố chính thức. Đây có nên xem là một lý do đáng ngại cho các nhà đầu tư không, thưa ông?
Cadivi là doanh nghiệp Nhà nước chuyên sản xuất các loại dây cáp điện phục vụ rộng rãi cho các ngành kinh tế quốc dân cũng như trong sinh hoạt người dân. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm của Cadivi chủ yếu là đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 90% trong tổng sản lượng của Cadivi, vì vậy, tình hình kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào giá nguyên liệu đồng trên thế giới.
Năm 2005 là năm vô cùng khó khăn đối với các nhà sản xuất và kinh doanh dây cáp điện bằng đồng, nhiều nhà sản xuất cáp điện đã bị hao hụt lớn về sự tăng đột biến của giá đồng, Cadivi cũng không nằm ngoài quy luật này. Bên cạnh đó, thị trường ngành nghề dây cáp điện, đặc biệt là dây cáp điện động lực ở Việt Nam hiện có sức cạnh tranh hết sức quyết liệt. Hiện nay, nước ta có hơn 130 nhà sản xuất dây và cáp điện lớn nhỏ và sản phẩm, chất lượng và giá cả cũng vô cùng đa dạng.
Trước khó khăn đó, Hội đồng của Cadivi đã buộc phải chấp nhận một giải pháp là chịu thiệt về lợi nhuận chứ không để mất về thị phần, nhất là trong điều kiện thị phần khá ít ỏi trong năm 2005. Do đó, chúng tôi buộc phải lấy tiêu chuẩn chất lượng làm đầu và lợi nhuận làm thứ yếu.
Trước Cadivi, Công ty cổ phần Dây cáp điện Taya Việt Nam cũng đã tham gia đấu giá cổ phần ra công chúng và đã đạt được sự mong đợi cao của các nhà đầu tư. Nhân đợt phát hành sắp tới, ông nhận định thế nào về giá trị cổ phần của Cadivi so với Taya?
Đúng là Taya và Cadivi có cùng lĩnh vực sản phẩm và cạnh tranh thị trường tương tư nhau nhưng Taya đã lên sàn từ lâu. Họ có lợi thế hơn chúng tôi.
Với vị trí là người đứng đầu của Cadivi hiện nay, ông có lời khuyên gì đối với các nhà đầu tư?
Tôi hy vọng các nhà đầu tư hãy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ giá, không nên bỏ giá quá cao để rồi làm hại chính bản thân mình và gây bất lợi đến doanh nghiệp.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền (thực hiện)