Nhà đầu tư chiến lược phải duy trì ngành nghề và thương hiệu ít nhất 3 năm

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 126 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó, Nghị định đưa ra nhiều điều kiện và các phương thức để đẩy nhanh cổ phần nhưng vẫn đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước.

Cụ thể, tại Nghị định, Chính phủ đặt yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu doanh nghiệp cổ phần hoá trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Lùm xùm của hãng phim truyện Việt Nam vừa qua xung quanh chuyện hậu cổ phần hoá đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và phát triển DN sau cổ phần
Lùm xùm của hãng phim truyện Việt Nam vừa qua xung quanh chuyện hậu cổ phần hoá đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và phát triển DN sau cổ phần

Trường hợp đặc biệt là DN đã nằm trong danh sách DN đạt thương hiệu quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành và địa phương) phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về thời gian nhà đầu tư chiến lược cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu DN cổ phần hoá.

Nhà đầu tư chiến lược theo tiêu chí của Nghị định 126 phải đáp ứng yêu cầu: Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ luỹ kế.

Chính phủ yêu cầu, nhà đầu tư chiến lược không chuyển nhượng số cổ phần đã mua được trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật DN.

Về các phương thức cổ phần hoá DN, Chính phủ chỉ đạo có ba hình thức là: Giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại DN và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Thứ hai là bán một phần vốn nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Thứ ba là toán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo quy định của Nghị định 126, việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với DN thuộc danh mục nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hoá.

Nghị định 126 nêu rõ việc chọn lựa nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo chọn đúng người, không mất tài sản, không mất thương hiệu Việt, trong đó nếu chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí lựa chọn đăng ký mua cổ phần và khối lượng đăng ký mua nhỏ hơn hoặc bằng số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán phải thoả thuận trực tiếp với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công.

Nếu trường hợp có hai nhà đầu tư chiến lược mua số cổ phần lớn hơn dự kiến bán, phải tổ chức đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Nghị định 126 cũng nêu rõ, các tài sản trong quá trình cổ phần hoá phải được đưa vào chế độ kiểm kê, phân loại và xử lý tồn tại về tài chính. Theo đó, khi cổ phần hoá các công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước... phải xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá.

Chính phủ quy định, nếu xác định giá không trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, DN cổ phần hoá phải có đơn kiến nghị cơ quan thuế hoặc phải nộp các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các tài sản cho mượn, cho thuê không phải của DN thì không tính vào giá trị DN. Tuy nhiên, các tài sản mà DN sử dụng trực tiếp, các tài sản được đầu tư từ các công ty con, các quỹ của DN bắt buộc phải tính vào tài sản của DN trước khi cổ phần, bao gồm đát đai, vốn từ các thiết bị, máy móc chưa hết khấu hao...

Nguyễn Tuyền