Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang trở nên u ám hơn; 15 ngân hàng lớn nhất thế giới bị hạ bậc tín nhiệm; Xăng, dầu liên tục phá đáy; Dòng tiền đang chảy ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán thị trường mới nổi... là những vấn đề quan trọng.

Kinh tế toàn cầu ảm đạm
 
Kinh tế toàn cầu ảm đạm

 

Viễn cảnh của nền kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên u ám hơn, khi trong tháng 6 vừa qua các hoạt động kinh tế tại châu Âu cũng như Trung Quốc đồng loạt sụt giảm, trong khi đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ vốn dĩ không vững chắc, nay đang ngày càng trở nên trì trệ, thậm chí là có chiều hướng xấu đi.

 

Chỉ số sản xuất và dịch vụ của Khu vực đồng Euro trong suốt 9 tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng 5 là 46% và tháng 6 là 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nền hơn thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải có thêm các hành động để hỗ trợ kinh tế khu vực phát triển.

 

Trong khi đó, hoạt động kinh tế tư nhân của Trung Quốc đến tháng 6 vừa qua là tháng thứ 6 liên tiếp bị sụt giảm, do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tốc độ tăng trưởng GDP quý hai của Trung Quốc dự báo sẽ là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%.

 

Tình hình tại Mỹ cũng không hề khá khẩm hơn. Một loạt số liệu công bố gần đây như thất nghiệp, sản xuất, niềm tin tiêu dùng đều có chiều hướng giảm. Ngân hàng JPMorgan Chase mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ xuống 2% và tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2012 có thể chỉ là 2,1%.

 

Vẫn không có QE3

 

Xuất phát từ thực trạng u ám trên của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng, Ủy ban thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định gia hạn chương trình hoán đổi trái phiếu và giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

 

Theo FED, chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist) đáng lý sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này, song được lùi lại tới hết năm nay, nhằm giảm bớt áp lực lên lãi suất dài hạn để kích thích các khoản vay, chi tiêu và tăng trưởng kinh tế. Đây là chương trình bán trái phiếu ngắn hạn và mua vào trái phiếu dài hạn.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục từ 0 - 0,25%, ít nhất là cho đến cuối năm 2014. Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke khẳng định cơ quan này sẵn sàng triểu khai thêm những hành động thích hợp để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ hơn nếu thấy cần thiết.

 

Cùng với các công bố trên, FED dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay chỉ khoảng 1,9 - 2,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 2,9% mà FED đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở ngưỡng khá cao 8,2%, trước khi giảm xuống 8% năm 2013 và 7,7% năm 2014.

 

Mặc dù những biện pháp trên của FED khá tích cực, song việc cơ quan này không nhắc tới chương trình nới lỏng định lượng mới (QE3), nên thị trường khá thất vọng. Thêm vào đó, theo giới phân tích, quyết định gia hạn chương trình Operation Twist khó hiệu quả bởi tỷ lệ lãi suất dài hạn của Mỹ đã xuống thấp kỷ lục.

 

Quyết định của Moody's

 

Hôm 21/6, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s đã cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của 15 định chế ngân hàng lớn nhất thế giới do những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Động thái này của Moody's có thể sẽ gia tăng chi phí đối với các ngân hàng, khiến các ngân hàng này đi vay với lãi suất cao hơn.

 

Trong số 15 ngân hàng bị hạ bậc, một nhà băng là Credit Suisse bị hạ ba bậc tín nhiệm từ (P)Aa2 xuống (P)A2, 10 ngân hàng bị hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm như Bank of America (từ Baa1 xuống Baa2), BNP Paribas (từ Aa3 xuống A2)... Ngoài ra còn có 4 ngân hàng bị hạ một bậc tín nhiệm như HSBC, Lloyds TSB...

 

Moody’s bắt đầu xem xét bậc tín nhiệm của các tổ chức trên từ 15/2. Moody’s cho rằng xếp hạng của các ngân hàng toàn cầu không phản ánh được những thách thức ngày càng lớn như các điều kiện cấp vốn yếu kém hơn, chênh lệch tín dụng lớn hơn, gánh nặng pháp lý nhiều hơn và môi trường hoạt động khó khăn hơn.

 

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là quyết định của Moody's lại là cái cớ để nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng giao dịch trên thị trường Mỹ tăng vọt trở lại hôm cuối tuần qua (22/6), từ đó nâng thị trường hồi phục mạnh trở lại. Theo giới phân tích, quyết định của Moody's không hề gây tác động làm suy yếu thị trường.

 

4 ông lớn bắt tay

 

Hôm 22/6, các nhà lãnh đạo bốn nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức đã cam kết đưa ra các biện pháp mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc huy động trị giá 130 tỷ Euro (tương đương 163 tỷ USD), đồng thời hứa bảo vệ đồng Euro.

 

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, các nhà lãnh đạo đã nhất trí huy động 1% GDP châu Âu, tương đương khoảng 120 - 130 tỷ Euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá động thái này là "một tín hiệu quan trọng", đồng thời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn đưa Euro trở lại là một đồng tiền ổn định.

 

Thủ tướng Italy Mario Monti cho biết 4 nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng các biện pháp được tiến hành cho đến nay là chưa đủ và khẳng định việc khởi động tăng trưởng trong khối là chìa khóa khôi phục lòng tin. Các thị trường cũng như công dân Liên minh châu Âu cần coi việc dùng Euro là không thể đảo ngược.

 

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo dự kiến công bố kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng với quy định bảo hiểm tiền gửi và giám sát chung. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng đang xem xét tăng nguồn lực cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm qua đầu tư vào công trình công cộng.

 

Việc 4 nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu bắt tay nhau cùng hỗ trợ đồng Euro có thể coi là tín hiệu lạc quan nhất tuần qua và dự kiến tác động sâu sắc tới thị trường tài chính thế giới trong tuần này. Đây cũng là yếu tố chính thúc đẩy các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ tăng điểm cuối tuần qua.

 

Biến động vàng, dầu

 

Phiên cuối tuần trước, giá dầu thô thế giới đã bật tăng trở lại 2% do nhà đầu tư bớt lo về khủng hoảng nợ công châu Âu và tin tức về nguy cơ bão nhiệt đới ở vịnh Mexico. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, dầu thô vẫn giảm giá tới 5,4%. Tương tự, giá xăng chốt phiên 22/6 tăng 0,8% nhưng giảm mạnh 4,9% trong cả tuần.

 

Tuy nhiên, trong tuần qua, cũng đã xuất hiện một số yếu tố được xem là trợ lực cho giá xăng, dầu. Chẳng hạn như: Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm mạnh trong tháng 6, bốn nền kinh tế lớn hỗ trợ đồng Euro tình hình chính trị tại Ai Cập tiếp tục bất ổn, Syria lâm vào khủng hoảng ngoại giao mới với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Trên thị trường vàng, theo khảo sát của Kitco với 33 nhà phân tích, thương nhân, nhà quản lý quỹ về xu hướng giá kim loại quý này trong tuần kết thúc vào ngày 29/6, có 28 người phản hồi, trong đó 12 người dự báo giá tăng, 9 cho rằng sẽ giảm và 7 người đưa ra ý kiến trung lập hoặc dự đoán thị trường đi ngang.

 

Đáng chú ý, ở phe dự báo giá giảm, các nhà quan sát thị trường cho biết, việc thiếu gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) từ Mỹ kết hợp với các dữ liệu sản xuất Trung Quốc, Mỹ đến châu Âu u ám đã khiến cho vàng bạc không còn là tài sản an toàn. Nỗi lo giảm phát giờ đây bao trùm và tiền mặt sẽ được chuộng hơn.

 

Jimmy Tintle, Chủ tịch của Quỹ Greenkey Alternative Asset Services nhận xét, nếu vàng có thể duy trì trên ngưỡng 1.520 USD/ounce thì mới thoát khỏi xu hướng giảm. Còn nếu đóng cửa dưới vùng 1.510 – 1.500 USD, thế giới sẽ chứng kiến làn sóng bán tháo ồ ạt, khiến giá lao dốc về vùng 1.400 – 1.380 USD/ounce.

 

Tiền đang chảy ra ngoài

 

Theo số liệu của EPFR Global, các quỹ đầu tư chứng khoán khu vực thị trường mới nổi đã mất 216 triệu USD trong tuần kết thúc ngày 20/6. Đây là tuần thứ 6 trong 7 tuần vừa qua, nhà đầu tư đua nhau rút tiền ra khỏi các thị trường này do kinh tế Trung Quốc và Đức giảm tốc, Tây Ban Nha bắt đầu khủng hoảng.

 

Trong tuần, các quỹ đầu tư châu Á nói chung (không bao gồm Nhật Bản) bị rút vốn mạnh nhất từ đầu năm tới nay, với 1,03 tỷ USD. Riêng các quỹ Trung Quốc bị rút vốn 8 tuần liên tiếp. Trong khi đó, các quỹ đầu tư vào thị trường Nga bị mất 61 triệu USD do giá dầu giảm. Ngược lại, các quỹ đầu tư Mỹ Latin thu hút vốn mạnh.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng lượng vốn ròng đổ vào các quỹ đầu tư thị trường mới nổi vẫn duy trì ở mức 15,27 tỷ USD, trái với mức rút ròng 12,8 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo Cao Hiền

VnEconomy