1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà đại gia lo Tết: Chồng đút triệu USD, vợ đánh quả kiếm chục tỷ đồng

Hàng loạt lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như PNJ, ACB, Thế Giới Di động có thêm khoản tiền tỷ trong túi trong dịp Tết sắp tới gần.

Lãnh đạo đút túi tiền tỷ
 

Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa chứng kiến một cú giảm sàn trong phiên ATC mất gần 7% ngay trong bối cảnh các cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp này được mua khối cổ phần trị giá gần 85 tỷ đồng với số tiền xấp xỉ 22 tỷ đồng (chênh lệch 63 tỷ đồng so với giá trị thật cổ phiếu PNJ).

Trong phiên giao dịch 10/12, PNJ giảm 6,9% xuống 73.000 đồng/cp. Cú giảm sốc này khiến vốn hóa của doanh nghiệp tụt giảm 1.240 tỷ đồng. PNJ cũng giảm trong bối cảnh cổ phiếu này tăng giá mạnh trong hơn 4 tháng qua, từ mức 50.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 lên mức 78.500 đồng/cp.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, PNJ công bố kế hoạch phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên. Lượng cổ phần phát hành thêm bằng khoảng 1,03% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận được mua 257.600 cổ phần theo chương trình ESOP của công ty với giá 20.000 đồng/cp trong khoảng thời gian từ 4/12 đến ngày 25/12. Sau giao dịch, sẽ nâng số lượng cổ phần PNJ đang sở hữu lên gần 20,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,1365% vốn điều lệ.

 
Nhà đại gia lo Tết: Chồng đút triệu USD, vợ đánh quả kiếm chục tỷ đồng - 1
Bà Cao Thị Ngọc Dung

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - Thành viên HĐQT PNJ (con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung) - cũng được mua 25.000 cổ phiếu ESOP. Nếu giao dịch thành công, bà Thảo sẽ nâng số lượng cổ phần PNJ đang sở hữu lên hơn 5,76 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,54% vốn điều lệ của công ty.

Tổng giám đốc Lê Trí Thông cũng được mua 213.000 cổ phiếu PNJ với giá 20.000 đồng/cp.

Cú sụt giảm giá khiến các cổ đông, trong đó có cả chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và Tổng Giám đốc Lê Trí Thông, mất tổng cộng 1.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là một phiên điều chỉnh khi mà cổ phiếu này tăng tới 57% trong vài tháng.

Vợ đại gia thu chục tỷ đón Tết

Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG), bà Phan Thị Thu Hiền - vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG Nguyễn Đức Tài - vừa đăng ký bán 500.000 cổ phiếu MWG từ ngày 9-31/12 qua phương thức thỏa thuận nhằm đáp ứng "nhu cầu tài chính cá nhân".

Với mức giá ở quanh vùng đỉnh như hiện tại, vợ ông trùm ngành bán lẻ Nguyễn Đức Tài có thể sẽ thu về khoảng 57 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu đăng ký bán ra chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số cổ phiếu mà vợ chồng ông Nguyễn Đức Tài nắm giữ. Trước giao dịch, bà Hiền nắm giữ hơn 2,45 triệu cổ phiếu MWG, trong khi ông Tài nắm trên 12 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, thời điểm bán ra khiến nhiều người chú ý. Cổ phiếu MWG tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ mức dưới 60.000 đồng/cp lên mức 115.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng khoảng 92%.

Đại gia ngân hàng có thêm tỷ đô

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á châu của nhà ông Trần Hùng Huy vẫn trên đà tăng giá sau khi đã bứt phá khoảng 60% kể từ mức 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 (giá điều chỉnh) lên mức 27.300 đồng/cp như hiện tại.

Với hơn 2,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức tăng giá trên đã giúp các cổ đông của ACB có thêm khoảng 1 tỷ USD, nâng tổng vốn hóa của ngân hàng này lên hơn 59 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2,5 tỷ USD).

 
Nhà đại gia lo Tết: Chồng đút triệu USD, vợ đánh quả kiếm chục tỷ đồng - 2

Ông Trần Hùng Huy

Nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận khối tài sản tăng lên tương ứng theo tốc độ tăng giá của cổ phiếu ACB. Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ 3,43% cổ phần tại ACB. Mẹ ông Hùng Huy - bà Đặng Thu Thủy - là thành viên HĐQT ACB. Trong khi đó, bố ông Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng đã nghỉ.

Sở dĩ cổ phiếu ACB tăng mạnh là bởi ngân hàng này tiếp tục ghi nhận hoạt động tốt, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giống như phần lớn ngân hàng khác. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển lên sàn chứng khoán TP.HCM và thương vụ hợp tác với hãng bảo hiểm Sun Life... thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Sau khi chuyển lên sàn HOSE, ACB lọt vào một số rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead,... qua đó hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Hòa Phát vẫn quyết thoái vốn mảng nội thất 'gà đẻ trứng vàng'?

Tập đoàn Hòa Phát sẽ thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Lý do là bởi ngành này mang tính chất thủ công kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng máy móc hiện đại tiên tiến của tập đoàn.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh nột thất của Hòa Phát đã tồn tại 25 năm. Năm 2015, công ty này đầu tư hàng loạt nhà máy sản xuất trên khắp cả nước. Hiện tại, CTCP Nội thất Hòa Phát có hơn 2.000 nhân sự, 4 chi nhánh và hệ thống phân phối trên cả nước. Sản phẩm được công ty xuất khẩu đi các thị trường châu Á, Trung Đông và Đông Âu.

Các sản phẩm chính của Nội thất Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình làm từ ống thép - inox, nội thất giáo dục và công trình công cộng. 

Hòa Phát cho biết liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn. Trong khi mảng nội thất gia dụng từng tăng trưởng tới 46% trong năm 2018.

So với các doanh nghiệp có cùng cơ cấu sản phẩm như Nội thất Xuân Hòa và Nội thất 190 thì Nội thất Hòa Phát bỏ rất xa, doanh thu gấp 2-3 lần đối thủ, còn lợi nhuận thâm chí còn vượt trội hơn. Nội thất 190 năm ngoái doanh thu 866 tỷ đồng, lãi sau thuế 60 tỷ đồng. Xuân Hòa doanh thu 557 tỷ đồng, lãi 79 tỷ đồng.

Nhóm TNR Holdings tiếp tục "hút" 1.800 tỷ đồng trái phiếu

Bất động sản Hano - VID tiếp tục công bố phát hành thành công 60 lô trái phiếu với giá 50 tỷ/lô. Theo đó, Hano - VID chỉ trong 1 ngày 28/8 đã "hút" được 600 tỷ qua kênh trái phiếu. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 7 năm, trả lãi 1 năm/lần, Hano - VID không công bố lãi suất. Toàn bộ lô trái phiếu nói trên được chào bán bởi đại lý là Chứng khoán KB Việt Nam.

Song song, Địa ốc Việt Hân cũng huy động 1.200 tỷ đồng trái phiếu trong 2 ngày 27-28/8/2020, thông qua 120 lô chào bán. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 7 năm, trả lãi 1 năm/lần, Việt Hân không công bố lãi suất. Toàn bộ lô trái phiếu nói trên được chào bán bởi đại lý là Chứng khoán KB Việt Nam.

Cả 2 đơn vị trên đều thuộc hệ thống TNR Holdings của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường còn là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) và là vợ ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch MSB. Công ty thuộc Tập đoàn TNG, tiền thân là Tập đoàn VID, trong 20 năm dưới thời bà Hường phát triển với tốc độ "thần tốc", đặc biệt trong việc khai thác các khu công nghiệp lớn với hàng trăm ha đất tại trung tâm như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam,...

HAGL Agrico (HNG): Hai phó tổng giám đốc từ nhiệm

HĐQT HAGL Agirco (HNG) vừa thông qua quyết định miễn nhiệm các chức danh quản lý. Chi tiết, công ty thống nhất miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc theo đơn từ nhiệm đối với ông Nguyễn Quan Anh và Hoàng Hữu Đức, miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng theo nhu cầu phân công lại công việc với ông Nguyễn Hoàng Phi.

Theo đó, HĐQT sẽ bổ nhiệm ông Phi giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty, phụ trách tài chính, thu mua và kinh doanh. Song song, Công ty cũng bổ nhiệm bà Hồ Thị Tuyến Loan giữ chức kế toán trưởng Công ty. Việc bổ nhiệm có hiệu lực kể từ ngày 9/12/2020.

Mới đây, HĐQT HAGL Agrico cũng vừa hủy lịch chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ.

Thay vào đó, HAGL Agrico sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, theo đó việc bàn phương án tăng vốn sẽ bị lùi sang tháng 1/2021 thay vì tháng 12 năm nay. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 25/12.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm