1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhà băng bơm tiền, đổ trăm ngàn tỷ vào đâu?

Các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh việc cho vay nhằm tăng tín dụng cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, cơ hội phục hồi kinh tế vẫn rất mong manh vì “thể trạng” của nền kinh tế hiện nay không dễ tiêu hết vốn định bơm ra.

Đâu đâu cũng sẵn ngàn tỷ

 

BIDV đã tuyên bố dành 10.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ngân hàng này vừa hợp tác cùng Becamex IDC cho khách hàng vay mua nhà ở tại dự án nhà ở xã hội của Becamex IDC. Khách hàng vay vốn sẽ được lãi suất 6%/năm trong 2013 và thời hạn vay vốn lên đến 15 năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay bình quân nhưng không vượt quá 6%/năm.

 

Trước đó, Agribank cũng đã cam kết cho vay mua nhà tại 13 dự án của 10 doanh nghiệp. Tổng vốn cho vay lên đến 6.644 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn là 3.295 tỷ đồng, tạo ra sản phẩm là 11.292 căn hộ...

 

Cũng nhằm mục tiêu cho vay mua nhà, ABBANK có chương trình cho vay mua căn hộ Chung cư TDH - Trường Thọ. Khách hàng chỉ cần thanh toán 40% căn hộ để nhận nhà, ABBANK sẽ cho vay 60% và khách hàng có thể trả chậm trong vòng 20 năm. Nếu khách hàng có thêm tài sản khác thế chấp, mức cho vay có thể lên đến 90% với lãi suất thấp hơn 3% so với mức thông thường.

 

Các ngân hàng sẵn tiền nghìn tỷ cho DN vay (ảnh NLĐ)
Các ngân hàng sẵn tiền nghìn tỷ cho DN vay (ảnh NLĐ)

 

Ngoài ra, BIDV cho người mua nhà vay đến 80% giá trị căn hộ trong dự án Khang Gia Tân Hương của Địa ốc Gia Khang; Agribank cho vay 80% giá trị nhà ở đối với khách hàng mua căn hộ Cheery 3 Apartment của Hoàng Quân. Một số dự án nhà xã hội và thương mại như Đặng Xá, 143 Trần Phú, CEO tại Quốc Oai, nhà xã hội tại Hưng Yên, Vinh; dự án Tân Tạo, Âu Cơ 557 (Tân Bình), Phố Đông Hoa Sen (quận 9)... cũng sẽ được giải ngân vay vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất 6%/năm.

 

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietinbank vừa thỏa thuận cho Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vay hơn 2.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 dây chuyền sản xuất tôn, thép và bổ sung vốn kinh doanh. Lãi suất cho vat chỉ từ 8-11%.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu tháng 6/2013 đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình cho doanh nghiêp vay với lãi suất ưu đãi như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank... Ngoài chương trình mua nhà ưu đãi 6%, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... lãi suất phổ biến ở mức từ 8 đến 10%/năm. Với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay từ 9 đến 12%/năm.

 

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ từ 7 đến 8%/năm.

 

Số liệu từ NHNN cho biết, tính tới cuối tháng 5/2013, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,98%. Mức tăng này dù thấp nhưng vẫn hơn so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0,56%) và cải thiện qua các tháng. Chính vì thế, trong đối thoại gần đây với các ngân hàng, lãnh đạo NHNN vẫn tin rằng mức tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là hoàn toàn có thể.

 

Tiêu vốn không dễ

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu diễn biến thị trường như năm ngoái thì sẽ đảm bảo cả năm nay được 12% như chỉ tiêu đặt ra. Còn điều kiện kinh tế tốt hơn có thể đạt tăng trưởng tín dụng 15%.

 

Khả năng tín dụng tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm được một số chuyên gia đánh giá khá cao trong bối cảnh tình hình nợ xấu đang được cải thiện và có thể tích cực hơn trong thời gian tới khi mà công ty mua bán nợ quốc gia VAMC đi vào hoạt động và các gói kích cầu kinh tế như gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ diễn ra mạnh mẽ hơn.

 

Ở mảng BĐS, gói 30.000 tỷ đồng dù mới chỉ bắt đầu, khách hàng muốn tiếp cận vay vốn ưu đãi mua nhà không phải dễ và chưa có những con số cụ thể về hiệu quả nhưng với nhu cầu mua nhà ở những đô thị lớn, với sự kích thích của vốn ưu đãi, việc dòng tiền quay trở lại phân khúc BĐS giá thấp, tác động tích cực đến một số lĩnh vực khác.

 

Về phía mình, các ngân hàng cho biết họ đang tìm kiếm những DN làm ăn tốt để bơm vốn. Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank nhận định, hầu hết các ngân hàng có thực lực tốt đều đang có những chương trình lớn với lãi suất ưu đãi cho DN. Những DN nào có năng lực thực sự, có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu sẽ rất được ngân hàng ưu ái. Không lo thiếu vốn, thậm chí vốn nhiều và lãi suất rẻ.

 

Trong một báo cáo tháng 5/2013, Dragon Capital nhận định, họ đã thấy đáy của nền kinh tế Việt Nam. Tổ chức này tin rằng VAMC sẽ làm giảm bớt một số áp lực lên hệ thống ngân hàng và sẽ giúp tăng trưởng tín dụng trở lại. Nhiều tổ chức và chuyên gia có uy tín khác cũng có cái nhìn lạc quan cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy.

 

Tuy nhiên, ở chiều ngược một số ý kiến cho rằng, quá trình chạm đáy có thể kéo dài và cơ hội phục hồi vẫn còn rất mong manh. Nền kinh tế có phục hồi nhanh hay không vẫn chưa thể xác định bởi còn phụ thuộc vào hiệu quả của các chương trình nới lỏng và nhất là khả năng hấp thụ vốn của DN và cơ hội mở rộng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho của DN.

 

Ngân hàng HSBC gần đây cho biết, thái độ thận trọng trong tuyển dụng của các DN và sức cầu thấp trong nước đang khiến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam rất mong manh. Chính vì thế, nhiều chuyên gia vẫn thận trọng cho biết, sự thờ ơ của người tiêu dùng và các nhà đầu tư khi triển vọng và các chỉ số kinh tế chưa có nhiều khả quan.

 

Sự phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vấn đề ngoài tăng trưởng tín dụng và nợ xấu như: tái cơ cấu DN, giảm tồn kho, xúc tiến thị trường và kích cầu tiêu dùng... Tuy nhiên, hầu hết các chương trình này hiện nay đều chưa có kết quả rõ nét. Trong khi đó, ám ảnh bơm tiền và lạm phát quay lại đã được cảnh báo.

 

Theo Mạnh Hà

VEF