1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn vay đang quay lại với bất động sản

(Dân trí) - Trong 4 tháng đầu năm, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng trở lại với mức khiêm tốn 1,1% song dự kiến sẽ nới rộng khi gói 30.000 tỷ được triển khai. Tuy nhiên, tín dụng chung chỉ tăng 2,11% so với mục tiêu 12% cả năm.

30.000 tỷ đồng sẽ phần nào sẽ hỗ trợ kích cầu, giúp doanh nghiệp bất động sản giảm tồn kho.
30.000 tỷ đồng sẽ phần nào sẽ hỗ trợ kích cầu, giúp doanh nghiệp bất động sản giảm tồn kho.

Theo số liệu công bố tại báo cáo về chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 4 tháng đầu năm, cho vay lĩnh vực bất động sản đã ghi nhận tăng trở lại mặc dù mức tăng không lớn (khoảng 1,1%).

Biên độ phục hồi sắp tới có thể sẽ nới rộng khi chính sách cho vay hỗ trợ đối với người mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích và giá cả hợp lý đi vào thực tiễn.

Trong đó, NHNN cam kết dành 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với lãi suất thấp (khoảng 6%/năm) và thời hạn dài (tới 10 năm).

Mục tiêu của chính sách này nhằm giảm tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đồng thời tạo cơ hội mua nhà cho những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 2,11%

Dư nợ tín dụng tín dụng sau khi giảm trong tháng 1/2013 đã tăng trở lại từ tháng 2/2013, có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 2,11% vào cuối tháng 4/2013 (so mục tiêu cả năm là 12%).

Tính đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay VND đã tăng 4,15%, trong khi đó dư nợ ngoại tế vẫn giảm 7,2% trong bối cảnh cơ quan điều hành chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế. 

Đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng 3,1% so với cuối năm 2012. Các chính sách hỗ trợ đối với một số lĩnh vực như lúa gạo, cà phê, hỗ trợ sau thu hoạch... đã giúp đầu tư tín dụng trong lĩnh vực này tăng khá. 

Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn gặp khó khăn, nhất là mặt hàng thủy sản, do thị trường bị phía nước ngoài áp đặt các quy định hạn chế đối với thủy sản Việt Nam, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh bị hạn chế.
 
So với tốc độ tăng tín dụng, mức tăng huy động vốn vượt trội với 5,2% sau 4 tháng. Trong đó, huy động vốn nội tệ cao hơn ngoại tệ, phần nào cho thấy niềm tin của người dân vào tiền đồng, dù lãi suất đầu vào giảm. 

Mới đây, từ 10/5, NHNN đã điều chỉnh hàng loạt lãi suất điều hành chủ chốt, nhưng không điều chỉnh trần lãi suất huy động tiền gửi, song các NHTM nhà nước vẫn chủ động  hạ mặt bằng lãi suất huy động. Cơ quan điều hành tiền tệ cho rằng, lãi suất giảm xuống 5-6%/năm sẽ tạo điều kiện để đưa ra các gói tín dụng có mức lãi suất thấp (8-10%/năm) để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ngoài ra, từ 13/5, bốn NHTM nhà nước đã cùng thực hiện điều chỉnh tất cả lãi suất cho vay về mức dưới 13%/năm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm