Ngân hàng “mơ” tăng tín dụng 15%

Dù chỉ đạt mức tăng trưởng chưa đầy 3% trong 5 tháng đầu năm, một số ngân hàng và bản thân người đứng đầu NHNN vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng “nếu có điều kiện” có thể tăng lên 15%.

Các NH đều đang “mơ” từ nay đến cuối năm sẽ tăng tín dụng 15%.
Các NH đều đang “mơ” từ nay đến cuối năm sẽ tăng tín dụng 15%.
 
Từ 3% nghĩ đến 15%

Mức tăng trưởng 2,98% của tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay cho thấy, để đạt được con số 12-15% trong trường hợp nếu có điều kiện như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các ngân hàng (NH) sẽ phải có được mức tăng tới 9-12% chỉ trong mấy tháng còn lại của năm. Dù không phản đối “đề xuất” có thể kéo tăng trưởng tín dụng lên 12-15%, song lãnh đạo nhiều NH phản ánh, tăng cho vay ở thời điểm hiện nay không phải là câu chuyện đơn giản. Ông Nguyễn Phước Thanh – TGĐ Vietcombank - nhận định, tín dụng thời gian qua không tăng được không phải do yếu tố NH mà là vấn đề cung-cầu và chất lượng doanh nghiệp (DN). “Tôi cho rằng là một người bệnh rồi, đổ thức ăn tốt cũng chưa thể khỏi bệnh ngay” – TGĐ Vietcombank nói.

Cam kết sẵn sàng hưởng ứng và đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định an toàn, TGĐ TienPhongBank – ông Nguyễn Hưng - cho rằng, cần phải có cơ chế đặc biệt với các NH. “Trong bối cảnh hiện nay, để tăng trưởng tín dụng an toàn thì cần khuyến khích. Đề nghị Thống đốc, nếu NH nào đạt yêu cầu đó thì không khống chế ở tỉ lệ ban hành đầu năm (12%). Con số tăng trưởng tín dụng này chúng tôi đảm bảo an toàn, đầu tư có mục đích chứ không phải cho những lĩnh vực rủi ro cao” – ông Nguyễn Hưng đưa ý kiến.

Người đứng đầu ban điều hành BIDV – ông Phan Đức Tú - lại liệt kê một loạt các yếu tố khiến tín dụng tăng thấp trong các tháng đầu năm, trong đó có nguyên nhân tình hình DN và khả năng hấp thụ vốn chưa tốt. “Chúng tôi khảo sát các DN đang vay vốn BIDV thì thấy, các chỉ số tài chính của DN đi xuống rất nhanh. Cần hiểu rằng, khó khăn này không phải từ năm 2012, mà từ 2007-2008 - khi thị trường chứng khoán tăng “nóng”, huy động vốn và cho vay ồ ạt. Còn giờ đây, các chỉ số tài chính của DN đều đi xuống rất thấp. Chính phủ cũng như các NH cần có chính sách thích hợp để đưa vốn ra nền kinh tế” - ông Tú phân tích.

TGĐ Vietcombank cũng dẫn kết quả phân tích và cho rằng, DN dạng 2 cộng (2+) trở lên giảm rất mạnh và khi tự bản thân DN đã yếu đi rồi thì không thể hấp thụ vốn. “Chúng tôi tập trung cho lĩnh vực ưu tiên rất lớn, nhưng gần đây nợ xấu ở các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thủy sản, lương thực bắt đầu phát triển tương đối mạnh trong lúc tồn kho thủy sản, tồn kho lương thực đều cao hơn trung bình chung. Do đó, chủ trương tập trung cho vay vào nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu cần phải lưu ý vấn đề này” - ông Nguyễn Phước Thanh lưu ý.

Tin tưởng

Với đề xuất nới “room” tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, hạn mức 12% giao đầu năm nhưng không cố định, mà sẽ được xem xét lại sau 6 tháng hoạt động. “Nếu các NH đánh giá khả năng tài chính và thấy có khả năng tăng trưởng tín dụng cứ báo cáo và NHNN cho điều chỉnh ngay, ngay trong tháng 6”. Chỉ ra nhiều điểm chưa tích cực cản trở mức tăng tín dụng, song người đứng đầu ngành NH cho rằng, cũng có nhiều yếu tố tích cực để làm cơ sở chắc chắn.

“Thứ nhất, đề án xử lý nợ xấu được Bộ Chính trị phê duyệt và Chính phủ chính thức thông qua, cho thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xử lý nợ xấu” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn số liệu, đến nay bản thân hệ thống NH cơ cấu lại được khoảng 285.000 tỉ đồng nợ, xấp xỉ 10% dư nợ tín dụng và nếu không cơ cấu lại, khoản nợ này có thể sẽ thành nợ xấu. Bên cạnh đó, trong năm 2012, hệ thống NH cũng xử lý được 70.000 tỉ đồng nợ xấu, bằng 2,5% tổng dư nợ và đây được cho là con số rất lớn. “Vấn đề là, nợ xấu cũ đã được xử lý, nhưng nợ xấu mới lại phát sinh, từ những khoản trước đây khi các điều kiện vĩ mô chưa ổn định. Do đó, ngành NH phải đi cả hai hướng, tiếp tục xử lý nợ xấu cũ và tiếp tục khơi thông dòng vốn thì mới ngăn được nợ xấu gia tăng” – ông Bình nhận định.

Việc thành lập Cty quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cũng là một yếu tố tích cực và người đứng đầu NHNN tin tưởng, trước mắt VAMC có thể xử lý được thêm 50.000-70.000 tỉ đồng nợ xấu nữa. “Đây là công cụ hết sức quan trọng, có thể giảm áp lực nợ xấu và áp lực tài chính cho các TCTD”. Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cũng được kỳ vọng có thể giải ngân 10.000-15.000 tỉ đồng trong năm nay. Nhận định đây là con số thấp, song Thống đốc Nguyễn Văn Bình hy vọng, nguồn tín dụng này sẽ có sức lan tỏa lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản đang hết sức khó khăn như hiện nay.

Cộng thêm yếu tố thời vụ khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm thường cao hơn, lãnh đạo NHNN tin rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn trong các tháng tới đây. Tuy nhiên, để tránh các tác động tới tỉ giá, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐTV Agribank - lưu ý, các NH cần tập trung cho vay vào 5 đối tượng ưu tiên. “Nếu “bơm” tiền ra các kênh thiếu kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá” - ông Bảo nói. Chưa kể, nếu không có sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, khả năng huy động vốn của các TCTD trong 6 tháng cuối năm cũng khó cao, từ đó khó đảm bảo tăng trưởng tín dụng.
 
Theo Văn Nguyễn

Lao động