1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguy cơ vỡ kế hoạch năm vì hàng ế

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nếu không giải quyết được “vấn nạn” tồn kho thì kế hoạch cả năm 2012 khó có thể hoàn thành. Cùng với đó, khó khăn sẽ “tích”, để lại hệ lụy cho năm 2013 và những năm tới.

Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị “Góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” sáng 26/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, nếu không giải quyết được “vấn nạn” tồn kho thì kế hoạch năm nay khó có thể hoàn thành. Cùng với đó, khó khăn sẽ “tích”, để lại hệ lụy cho năm 2013 và những năm tới.

Do đó, trong hai hướng tháo gỡ chính, ngay trước mắt sẽ tập trung giảm tồn kho, đẩy mạnh têu thụ, góp phần đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng đến những đối tượng dễ bị tổn thương, gặp khó khăn.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: B.D).
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: B.D).

Theo đánh giá của Bộ trưởng, thời gian vừa qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra (giãn, giảm thuế) tuy nhiên, các biện pháp này mới chỉ tập trung cho hậu sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, trong số các giải pháp kiến nghị có việc đề xuất ngay lập tức hỗ trợ tháo gỡ khó khăn ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh – tức là giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, có được doanh thu ngay trong quá trình sản xuất.

Trả lời câu hỏi, “liệu với lãi suất bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể sống được”, Bộ trưởng cho rằng, điều này phụ thuộc vào từng loại doanh nghiệp.

Người đứng đầu ngành công thương cho rằng, nhìn chung NHNN đã có nỗ lực hết sức to lớn trong chỉ đạo, đưa lãi suất từ mức18-19% trước đây lần lượt xuống còn 15%, 11,4%, 9%... 

Ông lưu ý, việc tháo gỡ khó khăn trước mắt phải tính đến ổn định lâu dài,  tránh tình trạng “rơi” từ thái cực này sang thái cực khác.

Hiện tại, nếu điều hành không khéo léo, Bộ trưởng lo ngại, có thể xảy ra tình trạng lạm phát quay trở lại như trước đây do lượng tiền trong lưu thông lớn.

Lãi suất cho vay, theo ông, do đó cũng cần điều hành trong mối tương quan với tình hình lạm phát, lãi suất huy động và có sự kết hợp hài hòa, lúc đó mới phát huy được tác dụng của chính sách.

Trước tình hình chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 âm 0,29%, là tháng thứ hai liên tiếp giảm so với tháng trước đó, Bộ trưởng cho rằng, đây là kết quả của gói chính sách kiềm chế lạm phát áp dụng 1 năm trước. 

Tuy nhiên, ở mặt khác, điều này cũng phản ánh một thực tế đáng lo ngại là khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu thụ hàng hóa và sức mua thị trường.

Do vậy, Bộ trưởng lưu ý, trong điều hành kinh tế vĩ mô, các chính sách đưa ra cần được cân nhắc, tính toán một cách cẩn trọng để tránh không bị rơi từ lạm phát cao dẫn đến thiểu phát, kinh tế đình trệ.

Bích Diệp