Nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng cá tra
(Dân trí) - Ngành hàng cá tra đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất và cung ứng trước những tác động tiêu cực từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Sản lượng giảm sâu
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra tính đến ngày 15/9 đạt 3.516 ha, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng cá tra tháng 9 giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 100,8 nghìn tấn. 9 tháng, sản lượng ước đạt 987,4 nghìn tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức này cũng thấp nhất trong kỳ 9 tháng các năm từ 2018 đến 2021.
Xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt nhưng sang tháng 8 đột ngột giảm sâu do nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất.
Cụ thể, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 9 đạt gần 82 triệu USD, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng, kim ngạch ước tính đạt hơn 1,07 tỷ USD, tăng 3,2%.
Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mạnh bởi nước này siết chặt quy định kiểm dịch Covid-19 với các mặt hàng thủy sản đông lạnh. Ngược lại, tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ có phần khả quan hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến sau khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, cá tra thương phẩm cỡ 800 - 1.000g, cỡ cá được ưa chuộng để sản xuất phi lê cá tra xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, đang có nguy cơ bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Đi tìm nguyên nhân
Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất cá tra bị thu hẹp là việc thực hiện giãn cách khiến các nhà máy chế biến giảm công suất, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết nên nhiều cơ sở và hộ nuôi nhỏ lẻ không thể bán được cá.
Nông dân không thể thu hoạch, vận chuyển cá từ trại nuôi đến nhà máy trong giai đoạn giãn cách nên buộc phải giữ trong ao, cá đến lứa không có người thu mua. Cá quá cỡ, chi phí thức ăn tăng, chết nhiều, giảm chất lượng do bị bệnh, thịt ngả vàng. Gánh nặng chi phí kéo dài khiến người nuôi không đủ khả năng tài chính để thả nuôi vụ tiếp theo.
Qua dữ liệu, tính đến đầu tháng 9 đã có 176 trên 449, tương đương 39,2% cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất. 49% nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động. Số lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 khoảng trên 70%. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng công suất hoạt động của các nhà máy chế biến cá tra chỉ còn khoảng 30 - 40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Chuỗi sản xuất cá tra có nguy cơ đứt gãy khi các hộ kinh doanh giống có hiện tượng ngưng thả giống từ tháng 8 năm nay, có thể khiến thiếu giống cá tra cục bộ năm 2022. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bán hàng còn khiến doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng do không kịp tiến độ giao hàng, mất khách hàng, mất thị trường xuất khẩu vào các quốc gia khác.
Ngoài ra, các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra xuất khẩu vẫn đang tiếp diễn tại một số thị trường trọng điểm. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thì các hộ nuôi cá sẽ phải bỏ nghề, doanh nghiệp chế biến cá tra sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nợ xấu và phá sản.