Nguồn điện trời cho: Tiềm năng vô tận, đối mặt bất ổn

Điện gió, điện mặt trời vẫn tiếp tục được ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề an toàn hệ thống phải được đặt ra khi vận hành nguồn điện có tính bất ổn định này.

Ưu tiên điện gió, điện mặt trời

Tại dự thảo quy hoạch điện 8, trong giai đoạn đến 2030, chương trình phát triển nguồn điện có những thay đổi lớn. Đó là phát triển với quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời (công suất nguồn điện gió gấp 3 lần và điện mặt trời gần gấp 2 lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh); chỉ tiếp tục xây dựng các dự án nhiệt điện than đang xây dựng và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025...

Tổng công suất các nhà máy điện năm 2025 khoảng 102.000 MW và năm 2030 khoảng 138.000 MW.

Bộ Công Thương dự kiến đưa tổng công suất nguồn điện gió trên bờ lên khoảng 11.320 MW vào năm 2025, khoảng 16.010 MW vào năm 2030 và khoảng 39.600 MW vào năm 2045; đưa tổng công suất điện gió trên biển lên khoảng 3.000-5.000 MW hoặc có thể cao hơn khi có điều kiện thuận lợi vào năm 2030 và khoảng 21.000 MW vào năm 2045.

Nguồn điện trời cho: Tiềm năng vô tận, đối mặt bất ổn - 1

Điện gió, điện mặt trời tiếp tục được ưu tiên đầu tư. 

Tổng điện năng sản xuất từ các loại hình dự án điện gió dự kiến chiếm tỷ trọng khoảng 7,9% vào năm 2025, khoảng 8,1% vào năm 2030 và khoảng 19,2% vào năm 2045.

Với điện mặt trời, Bộ Công Thương dự kiến phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, gồm cả các nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất, mặt hồ và các nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Tổng công suất nguồn điện mặt trời khoảng 17.200 MW vào năm 2025, khoảng 26.000 MW vào năm 2030 và đạt tới khoảng 55.000 MW vào năm 2045.

Điện năng sản xuất từ nguồn điện năng lượng mặt trời dự kiến đạt tỷ lệ khoảng 7,3% vào năm 2025, khoảng 5,3% vào năm 2030 và đạt 8,9% vào năm 2045.

Tuy nhiên, trước công suất "rất lớn" về điện mặt trời, điện gió trong hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam không khỏi băn khoăn.

Nói về tỷ lệ ngừng phát của điện mặt trời, EVN góp ý, Dự thảo chưa xét đến tỷ lệ ngừng phát của điện mặt trời là chưa xác đáng trong bài toán quy hoạch nguồn điện, đặc biệt khi tỷ trong điện mặt trời trong hệ thống rất lớn. Tỷ lệ ngừng phát của điện mặt trời khi mây che có thể coi như tỷ lệ ngừng phát sự cố và cần được xác định để xây dựng quy hoạch lưới điện phù hợp.

Góp ý cho dự thảo, EVN cho rằng: Theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, gồm cả thủy điện lớn, đạt 53%).

Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...

Theo EVN, trong Quy hoạch điện VIII chủ yếu định hướng phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và nguồn điện sử dụng LNG, nhưng với quy hoạch mang tính động, mở nên chưa xác định quy mô, vị trí tiềm ẩn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tỷ trọng nguồn truyền thống thấp, trong khi tỷ trọng năng lượng tái tạo quá lớn (cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 55) sẽ tác động lớn đến công tác đầu tư, vận hành hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Vì thế, EVN kiến nghị cần xác định lại tỷ lệ nhất định nguồn năng lượng tái tạo đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn - tải (dựa trên số giờ huy động công suất khả dụng của nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi tỉnh, vùng, toàn quốc) và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.

Nguồn điện trời cho: Tiềm năng vô tận, đối mặt bất ổn - 2

Điện mặt trời đã có thời điểm bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng

Vẫn lo về giá, phải loại bỏ dự án treo

Góp ý cho quy hoạch 8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lưu ý: Vài năm gần đây, Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, tuy nhiên chi phí sản xuất điện năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với các loại hình năng lượng khác như thủy điện, điện than, điện khí làm tăng giá mua điện bình quân của EVN. 

Điều này dẫn tới tăng giá điện sinh hoạt và điện sản xuất, gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khác, tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh và chi phí sinh hoạt của nhân dân.

"Vì vậy, việc bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch cần có tiến độ phù hợp và giải pháp hợp lý cho cơ chế giá điện, tránh tình trạng thay đổi lớn về giá bán điện bình quân cũng như áp lực lên hệ thống truyền tải điện như vừa qua", PVN góp ý.

Khi xây dựng quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương nêu rõ việc tiếp tục triển khai các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,... ) đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và các Quy hoạch chuyên ngành điện khác.

Bình luận về điều này, một chuyên gia năng lượng cho rằng điều này không khác gì vẫn "liệt kê tên dự án trong quy hoạch 8" cho dù phương châm xây dựng quy hoạch này là "quy hoạch mềm". Khi thực hiện quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh, chúng ta đều thấy có rất nhiều dự án không triển khai được, hoặc triển khai không đúng tiến độ. Vậy trong quy hoạch 8 lần này, những dự án không triển khai được sẽ xử lý như thế nào? Những dự án đó, nếu không đầu tư được, thì phải đưa ra khỏi quy hoạch. Nếu không, sẽ thành quy hoạch treo.

Giả sử EVN đã đầu tư lưới truyền tải xung quanh khu vực dự án đó, nhưng đến giai đoạn đầu tư dự án vẫn không triển khai được thì phải bỏ dự án ra khỏi danh sách. Nếu không bỏ ra khỏi quy hoạch để bổ sung dự án mới thì rõ ràng toàn bộ việc đầu tư lưới là lãng phí.

"Cho nên, phải có quy định mang tính pháp quy kiểm soát khâu sau quy hoạch, có tính bắt buộc các ngành, địa phương thực hiện để tránh quy hoạch treo. Phải có chế tài để xem trong  vòng bao lâu dự án không thực hiện được thì phải đưa ra khỏi quy hoạch", chuyên gia này nói.