Nguồn cung năng lượng ở châu Á ra sao khi châu Âu thiếu hụt?
(Dân trí) - Khi châu Âu đang vật lộn với sự thiếu hụt năng lượng, nguồn cung điện của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được đảm bảo, phần lớn nhờ khu vực này sử dụng rất nhiều than đá.
Với việc nguồn cung khí đốt tự nhiên (LNG) của khu vực chuyển hướng sang châu Âu, nhiều nhà máy sản xuất điện ở châu Á không chỉ tiếp cận ít hơn với LNG mà còn phải từ chối mua do nhu cầu tăng mạnh ở châu Âu nên LNG ngày càng đắt đỏ.
Châu Âu đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt khi Nga cắt nguồn cung, khiến nhiều nước rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp đến. Hệ thống điện lưới quốc gia của Anh đã cảnh báo về khả năng cắt điện.
Hôm 18/10, EU đã từ bỏ việc áp giá trần đối với khí đốt Nga khi đưa ra các biện pháp mới để giải quyết giá năng lượng tăng cao. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ ngừng hoàn toàn nguồn cung cho EU nếu khối này áp giá trần đối với năng lượng Nga.
Tuy nhiên, với châu Á lại khác. Ông Atul Aryal - Giám đốc chiến lược năng lượng của S&P Global, cho biết trong khi châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến ở Ukraine khiến giá nhiên liệu như dầu và khí đốt trên toàn cầu tăng lên, thì việc sản xuất năng lượng của châu Á vẫn không bị ảnh hưởng.
"Ở châu Á, thay vì sử dụng khí đốt, các nước đang sử dụng than do than có sẵn và ít đắt đỏ hơn", ông nói với CNBC.
Không giống như châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào khí đốt để tạo ra năng lượng, châu Á ít phụ thuộc vào khí đốt. Ông Alex Witworth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu điện và năng lượng tái tạo châu Á Thái Bình Dương của Wood Mackenzie cho biết, khí đốt chỉ chiếm 11% tổng lượng điện của khu vực và LNG chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó, hầu hết khi đốt của khu vực này được sản xuất trong nước. Trong khi đó, than đá mặc dù đang giảm xuống song vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ trọng than trong sản xuất điện ở châu Á chiếm hơn 60%.
Riêng nhập khẩu LNG ở châu Á đang giảm xuống do giá cao.
Theo báo cáo về khí đốt mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhập khẩu LNG giao ngay hoặc ngắn hạn đã giảm 28% trong 8 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu LNG nói chung giảm 7% so với cùng kỳ hàng năm.
Trong đó, nhập khẩu của Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất toàn cầu - giảm mạnh nhất, đến 59%. IEA cho biết, nhập khẩu LNG của Nhật Bản, Pakistan và Ấn Độ cũng lần lượt giảm 17%, 73% và 22%.
Cơ quan này lý giải, việc Trung Quốc nhập khẩu LNG ít đi không chỉ do giá cao mà còn do nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Mặt khác mùa đông ở nước này cũng ôn hòa hơn và sản xuất khí đốt và than đá trong nước vẫn tăng mạnh.
Những yếu tố này đã tạo cơ hội cho than đá được sử dụng nhiều hơn ở châu Á, bất chấp nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ như Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã bắt đầu sử dụng nhiều than đá hơn trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, trong tháng 7 năm nay, lượng sử dụng than đá của KEPCO đã tăng hơn 26% so với tháng trước. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với khối lượng được sử dụng trong năm ngoái.
Tương tự Nhật bản, Hàn Quốc cũng là nước sử dụng nhiều khí đốt hơn các thị trường khác ở châu Á, vì vậy về một mức độ nào đó, họ đã phải cạnh tranh với nguồn cung khí đốt hạn chế như châu Âu. Nhưng do nguồn cung trong nước sẵn có, nên họ vẫn đảm bảo về nguồn cung hơn so với châu Âu.
Nói cách khác, châu Á phụ thuộc vào than đá và ít phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, nên có an ninh năng lượng cao hơn.
Trong một lưu ý gần đây, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của ING Economics, Warren Patterson, cũng cho rằng nguồn cung LNG thắt chặt và giá cao đồng nghĩa một số nước sẽ phải dựa vào "loại nhiên liệu bẩn hơn và rẻ hơn" để thay thế.
"Người ta cũng kỳ vọng giá năng lượng hóa thạch cao sẽ thúc đẩy năng lượng xanh phát triển ở châu Á, đặc biệt ở một số nền kinh tế nhập khẩu ròng năng lượng", ông Patterson nói.
Tuy nhiên, việc triển khai năng lượng tái tạo cần có thời gian và trong ngắn hạn sẽ không giải quyết được mối lo an ninh năng lượng. Do đó, ông cho rằng, lúc này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu bẩn.