Nguồn cung chip vẫn còn eo hẹp trong một thời gian dài
(Dân trí) - Một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Quốc gia Trung Quốc cho hay, mặc dù gần đây tình trạng thiếu hụt chip đã giảm bớt song nguồn cung vẫn còn eo hẹp trong một thời gian dài.
Các nhà máy đối mặt với áp lực giảm khá lớn
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Quốc gia Trung Quốc Luo Junjie cho biết ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn chưa phục hồi vững chắc do đại dịch bùng phát trên toàn cầu, tăng trưởng thương mại suy yếu, thiếu nhu cầu tiêu dùng và các yếu tố khác.
"Trên hết, gần đây, virus corona đã lây lan đến nhiều nơi. Trong quý đầu tiên của năm, chắc chắn ngành kinh tế công nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực giảm khá lớn", ông Luo nói.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, trước sự xâm nhập của biến thể Omicron có khả năng lây lan cao, các chính quyền địa phương Trung Quốc đã thông báo nhiều đợt đóng cửa và hạn chế đi lại hơn. Thành phố Tây An và một số thành phố khác buộc phải phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Tuy nhiên, theo Tian Yulong, kỹ sư trưởng và là người phát ngôn khác của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, những đợt đóng cửa gần đây sẽ chỉ có tác động trong ngắn hạn và hạn chế đối với chuỗi cung ứng.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley mới đây cũng đã cắt giảm dự báo GDP quý I/2022 của Trung Quốc thêm 40 điểm cơ bản xuống còn 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Biến thể Omicron có khả năng kích hoạt một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở nhà trong bối cảnh chiến lược Zero-Covid và ngăn chặn tiêu dùng dịch vụ. Điều đó nói lên rằng, tác động đối với chuỗi cung ứng nội địa có thể sẽ nhỏ vì các trung tâm sản xuất ven biển đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn có mục tiêu hơn so với các thành phố ở phía bắc ít quan trọng về mặt kinh tế", báo cáo cho biết.
Tình trạng thiếu chip còn kéo dài
Đối với tình trạng thiếu hụt chip, theo ông Luo, mặc dù gần đây sự thiếu hụt đã giảm bớt song nguồn cung vẫn còn eo hẹp trong một thời gian dài.
Sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng 33% so với năm trước đó. Riêng trong tháng 12/2021, sản lượng chip đã tăng 1,9% so với cùng kỳ hàng năm lên 29,9 tỷ chiếc. Sản lượng ô tô trong tháng 12 cũng tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích từ Citi cũng cho biết, việc di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc dường như đã chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược trong bối cảnh các đợt Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
"Việc ngăn chặn virus corona hiệu quả đã cho phép các nhà máy Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sản xuất", bà Xiaowen Jin, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Citi cho biết.
Tuy nhiên, theo Ting Lu, trưởng nhóm nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Nomura, khả năng lây lan cao của biến thể omicron đồng nghĩa chi phí cho chính sách Zero-Covid đang tăng lên, trong khi lợi ích lại đang giảm xuống. Cho đến nay, chính sách này đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn là các nhà máy.