Người Việt vượt qua khó khăn kinh tế vì biết tiết kiệm tiền và nuôi gà, vịt

Đại Việt

(Dân trí) - Người Việt có thói quen tiết kiệm tiền, nông dân thường nuôi gà, vịt, trồng rau xanh sẵn trong vườn nhà. Những thói quen này đã giúp người Việt vượt qua những khó khăn về kinh tế do Covid-19 gây ra.

Người Việt vượt qua khó khăn kinh tế vì biết tiết kiệm tiền và nuôi gà, vịt - 1

Buổi Tọa đàm Cách thức để doanh nghiệp hưng thịnh trong trạng thái "bình thường mới" tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Tại buổi tọa đàm Cách thức để doanh nghiệp hưng thịnh trong trạng thái "bình thường mới" do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã có sức tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì ngày càng thấy rõ tác động nghiêm trọng của Covid-19 về mức độ suy thoái nền kinh tế thế giới, số lao động thất nghiệp, mức thu nhập bị sụt giảm…

Các gói cứu trợ lớn chưa từng có trong lịch sử cũng đã được nhiều quốc gia tung ra để hỗ trợ người dân. Một số quốc gia đã tung ra các gói cứu trợ tương đương với 20% GDP.

Việt Nam cũng đã đưa nhiều gói hỗ trợ trị giá khoảng 3% GDP và phạm vi bao phủ là rất rộng. Tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ, siêu nhỏ, người lao động của nhiều ngành nghề đã được hưởng hỗ trợ từ những gói này.

“Theo dự báo của hàng trăm doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu thì đến quý 1/2022 thì nền kinh tế thế giới mới hồi phục bình thường trở lại như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Kinh tế thế giới sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn trong dài hạn. Chính vì vậy, rủi ro bất định là rất cao đối với các doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Người Việt vượt qua khó khăn kinh tế vì biết tiết kiệm tiền và nuôi gà, vịt - 2

Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo ông Thành, chính vì những lý do nói trên mà quản trị rủi ro phải là nhân tố sống còn đối với doanh nghiệp dù là nhỏ hay lớn.

Tại Việt Nam, đa số các doanh nghiệp chỉ có chiến lược trong vòng 3 năm, thậm chí là chiến lược theo từng năm hoặc từng tháng. Và tầm chiến lược 10 năm là gần như rất hiếm.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, sở dĩ Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam không nghiêm trọng bằng những nước khác là do người Việt có thói quen tiết kiệm tiền từ trước. Những đồng tiền tiết kiệm đã phát huy tác dụng khi cuộc sống người dân gặp biến cố.

Tại nhiều nước phát triển, người dân có thu nhập cao nhưng không có thói quen tiết kiệm. Việc này đã khiến người dân ở những nước phát triển “chật vật” hơn khi vấp phải khó khăn của dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam có ngành nông nghiệp vượt trội, người nông dân thường nuôi heo, gà, vịt, trồng rau, nuôi cá ngay trong khu vườn nhà của mình. Điều này cũng phần nào giúp người dân bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khi dịch bệnh ập đến.

Tuy nhiên, các thống kê cho thấy, 90% người Việt Nam bị giảm thu nhập. Trong đó, thu nhập của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh gia đình cũng đã giảm trung bình khoảng 55% trong tháng 4/2020 và giảm 30% trong tháng 5/2020 so với tháng 12/2019.

“Đây là những con số hết sức tiêu cực, bởi Việt Nam có 55 triệu lao động nhưng có đến gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng, mất việc, giảm thu nhập…”, tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ.

Theo tiến sĩ Thành, doanh số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm mạnh vì Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ lại lao động. Một con số khảo sát thú vị là tại các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thì tỉ lệ cắt giảm lao động thấp hơn những doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Trong đại dịch, Chính phủ cũng đã rất nỗ lực để hỗ trợ người dân. Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra chính sách an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người. Giảm lãi suất tiền tệ, giãn hoãn nợ, cho vay lãi suất ưu đãi, giảm tiền thuế phí, thúc đẩy đầu tư công…

Doanh nghiệp cũng nỗ lực để “sinh tồn” qua đại dịch như cắt giảm chi phí, thay đổi sản phẩm, hạ giá thành, chuyển đổi mô hình kinh doanh như chuyển đổi số, quản trị, tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới hoặc “ngủ đông”. Doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa các gói hỗ trợ của Chính phủ để vươn lên.

Theo ông Thành, 5 từ khóa mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng để phục hồi, vươn lên trong thời điểm này đó chính là: Nhìn ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, chia sẻ - kết nối và quản trị rủi ro.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng vào 3 giải pháp chính để vực dậy doanh nghiệp.

Thứ nhất là cần tập trung vào chuyển đổi số bởi chuyển đổi số liên quan đến sản phẩm, giải pháp kèm theo sản phẩm và tương tác với khách hàng, thị trường. Thứ hai chính là đổi mới phương thức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Thứ ba chính là hướng đến những kỹ năng lao động hiệu quả hơn nhờ chuyển đổi số.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần kết nối mạnh mẽ hơn với đối tác, thị trường bởi đây là thời cơ rất lớn để phát triển.