Người Việt có tầm ảnh hưởng với khát vọng đưa nông nghiệp thực sự trở thành thế mạnh của Việt Nam

(Dân trí) - Nông nghiệp ở Việt Nam luôn là lĩnh vực thường duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước.

Những năm gần đây, phát triển nông nghiệp công nghệ cao dần trở thành hướng đi tất yếu, tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Song, để thực sự ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều rào cản, khó khăn...

nong-nghiep-cong-nghe-cao.jpg

Nông nghiệp Công nghệ cao là gì?

Theo ý kiến của Vụ khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động bm, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.

Nông nghiệp thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu được tập trung đầu tư, phát triển sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số như thiết bị định vị toàn cầu (GPS), điều tiết lượng vật tư, nước tưới theo nhu cầu, giám sát năng suất, giúp đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao còn hỗ trợ quản lý quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, minh bạch hóa, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua các thiết bị kết nối Internet. Phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần ngăn chặn các rủi ro thiên tai (sạt lở đất), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm.

Những lợi thế của nông nghiệp Việt Nam?

Nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hóa, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong những năm vừa qua. Nền nông nghiệp nước nhà có nhiều điều kiện để vươn tới, phát huy trở thành nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại công nghệ 4.0 như: mô hình tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được Chính phủ khuyến khích và tạo nhiều ưu đãi với các chính sách ưu tiên phát triển.Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 khu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

Những công nghệ hiện đại được ứng dụng vào nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Ở các địa phương, một số tỉnh cũng đã dần ứng dụng công nghiệp cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình nhà kính, nhà màng, nhà lưới, trồng rau công nghệ cao với quy mô lớn đã không còn xa lạ với các huyện ở một số tỉnh thành như Hà Nội,..Trong lĩnh vực chăn nuôi, nông dân đã ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ vi sinh, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường, trong khâu nhân giống đã có sự xuất hiện của phương pháp thụ tinh nhân tạo. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có sự phát triển vượt trội so với những năm trước đây, các mô hình cho ăn tự động, kiểm tra môi trường, nhiệt độ được tích hợp trên di động thông minh, giúp nông dân thuận hơn trong việc giám sát và điều khiển từ xa...

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị nông sản ở các địa phương đã được nâng cao, đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, ở Lâm Đồng mô hình sản xuất rau cao cấp doanh thu đạt 500 triệu đồng/ha/năm; rau thủy canh đạt từ 8-9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp từ 20-30 lần so với trước..., góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Ở Hà Nội, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…được tập trung triển khai đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất từ 15 đến 20%.

Những thách thức phía trước của nông nghiệp Việt Nam?

Mặc dù đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như sự hạn chế trong khả năng tích tụ đất đai gây trở ngại cho ứng dụng công nghệ và đầu tư dài hạn, đầu tư cho khoa học và công nghệ trong nông nghiệp từ các doanh nghiệp lớn chưa nhiều. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm, năng lực công nghệ, hạ tầng thiết lập hệ thống tự động hóa còn thấp, nhân lực có tay nghề, trình độ số lượng khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ hợp đồng yếu, khó tiếp cận các nguồn vốn và chính sách ưu đãi của Nhà nước...

Hướng đi phát triển của nông nghiệp Việt Nam?

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, sản xuất là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp người nông dân bớt giảm lao động tay chân, bớt phụ thuộc vào thời tiết, phát triển quy mô sản xuất, kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, chủ động trong cả qui trình.

Để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, có đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế thì các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được tiến hành đầu tư mạnh mẽ và bài bản, mở rộng và phát triển hơn nữa. Sự đào tạo và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất cần đi đôi, đồng hành với mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và nhà nông sẽ là hướng đi đột phá của nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới. Đặc biệt, bên cạnh Nhà nước thì sự đóng góp của các doanh nghiệp, của những người Việt có tầm ảnh hưởng đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện nay, đội ngũ người Việt thành đạt và có tầm ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới đang có xu hướng hội tụ cùng nhau đưa nền nông nghiệp cũng như kinh tế của đất nước đi lên. Cụ thể, trong tháng 3, sự kiện Vietnam Global Leaders Forum - VGLF (Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng) sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp). Đây chính là nơi hội tụ những hiền tài có tầm ảnh hưởng của Việt Nam: các nhà lãnh đạo hàng đầu, các nhân vật quan trọng và khởi nghiệp thành công trên toàn thế giới với niềm đam mê và tham vọng xây dựng thương hiệu Việt Nam. VGLF được thiết kế để tạo điều kiện cho tài năng Việt Nam liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, tạo các mối quan hệ… để cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung. Trong diễn đàn, vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp của Việt Nam sẽ được các diễn giả chia sẻ và đề ra những giải pháp thiết thực.

VGLF không chỉ là một diễn đàn, mà còn là điểm khởi đầu của một chiến lược nhân tài dài hạn, dựa trên:

• Nghiên cứu sâu rộng về kinh nghiệm quốc tế thành công

• Nhu cầu thiết thực của Việt Nam

VGLF sẽ không chỉ xây dựng một mạng lưới, mà còn xây dựng một tổ chức

vững mạnh – Tổ chức VGL - để duy trì và điều phối mạng lưới:

• Với nguồn nhân lực và tài chính đủ mạnh

• Với sự hỗ trợ từ lĩnh vực tư nhân và sự ủng hộ từ chính phủ Việt Nam

VGLF có những mục tiêu được xác định rõ ràng, với các kế hoạch cụ thể và

bài bản để hoàn thành mục tiêu:

• Các hoạt động thường xuyên bao gồm: chương trình cố vấn, việc làm

và đào tạo, các buổi trao đổi chuyên đề, ...

• Các hoạt động kết nối đầu tư, các sự kiện từ thiện, ...

 

Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) là một tổ chức tập hợp các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở Pháp và một số nước với mục tiêu tham gia đóng góp cho Việt Nam. Hội thành lập năm 2011, hiện có gần 200 thành viên với mạng lưới liên kết khoảng 30.000 người. Những năm gần đây, AVSE Global triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong nước, chủ yếu tập trung vào các dự án về giáo dục, công nghệ, kinh tế - tài chính, phát triển bền vững và thu hút nhân tài.

 

H. Phúc