Người Việt chi cả trăm triệu USD mua rau quả ngoại nhập dịp Tết

An Linh

(Dân trí) - Trong tháng 1/2021, lượng rau quả ngoại nhập về Việt Nam tăng hơn 22,3% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các mặt hàng đều được nhập từ Trung Quốc, Mỹ, Úc.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hết tháng 1/2021, Việt Nam chi hơn 140 triệu USD nhập rau quả, kim ngạch tăng hơn 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Người Việt chi cả trăm triệu USD mua rau quả ngoại nhập dịp Tết - 1

Sính hoa quả ngoại, nên cận Tết Nguyên đán, người Việt bỏ hàng trăm triệu USD nhập mặt hàng này về nước

Xét về xuất xứ, lượng rau quả chủ yếu đến từ Trung Quốc, Mỹ và Úc. Trong đó, xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là rau; từ Mỹ, Úc chủ yếu là các loại quả, có nhiều giỏ trái cây làm quà biếu Tết.

Kim ngạch nhập khẩu rau quả về Việt Nam vào tháng 12/2020 cũng cao, đạt hơn 148 triệu USD. Bình quân, trong hai tháng cận kề của năm mới, mỗi ngày người Việt chi khoảng 100 tỷ đồng để mua rau quả ngoại.

Các loại rau quả Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu là hành tây, khoai, cải bắp, cà rốt... đây hầu hết là các loại rau quả thông thường, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân. Một số loại táo, nho hoặc hoa quả sấy khô cũng được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam.

Trong khi đó, các loại rau quả của Mỹ, Úc chủ yếu là nho, táo, kiwi được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu vào các cửa hàng hoa quả ngoại, phục vụ đồ biếu, tặng dịp Tết Nguyên đán.

Hiện tại, giá các loại hoa quả ngoại về Việt Nam khá đắt đỏ, táo loại 1 của Mỹ được bán với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg chủ yếu được phân phối qua các kênh bán hoa quả nhập khẩu.

Theo một số đầu mối bán hoa quả nhập khẩu, do đại dịch Covid-19 bùng phát thời điểm trước Tết Nguyên đán 2021, sức mua của người dân bị ảnh hưởng khá nhiều, may mắn là hàng hóa về đủ nên khách vẫn có thể đặt và vận chuyển hàng hóa online.

Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được xem là thị trường màu mỡ cho rau quả nhập khẩu, năm 2020 lượng rau quả nhập ngoại có giảm đi đôi chút, nhưng người Việt cũng chi khoảng 1,3 tỷ USD để nhập mặt hàng này, các năm năm 2019 và 2018, Việt Nam cũng chi khoảng 1,7 tỷ USD để mua mặt hàng này về nước tiêu thụ.