Trung Quốc "gom" mua gần một nửa dầu thô, quặng khoáng sản của Việt Nam

An Linh

(Dân trí) - Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam vẫn xuất gần 50% lượng quặng và dầu thô sang Trung Quốc.

Tổng sản lượng xuất khẩu của hai loại khoáng sản nói trên năm 2020 đã tăng trên 15% so với năm trước.

Trung Quốc gom mua gần một nửa dầu thô, quặng khoáng sản của Việt Nam - 1

Trung Quốc vẫn gom mua gần 50% lượng quặng khoáng sản và dầu thô xuất của Việt Nam

Cụ thể, tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 4,6 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,57 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng, nhưng giảm 23% về giá trị, đơn giá xuất khẩu dầu thô là 7,8 triệu đồng/tấn.

Về thị trường, dầu thô và quặng xuất đi của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn có số lượng lớn nhất. Cụ thể, lượng dầu thô xuất sang Trung Quốc năm 2020 ước đạt 2,1 triệu tấn, chiếm hơn 45% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch dầu thô xuất sang Trung Quốc đạt hơn 713 triệu USD, giá xuất dầu thô sang thị trường này ước đạt 7,8 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên nếu so với năm ngoái, xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc năm 2020 tăng hơn 1 triệu tấn nhưng giá trung bình lại giảm 3,8 triệu đồng/tấn.

Vì vậy, mặc dù xuất khẩu dầu thô cả năm 2020 tăng về lượng so với cùng kỳ năm ngoái hơn 700 tấn, nhưng giá bình quân xuất khẩu lại giảm, khiến tổng kim ngạch dầu thô xuất khẩu giảm 430 triệu USD so với năm 2019.

Đối với mặt hàng quặng và khoáng sản kim loại, năm 2020, Việt Nam xuất đi hơn 3,36 triệu tấn - tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch đạt 226 triệu USD - tăng 4% so với năm 2019. Đơn giá bình quân khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,5 triệu đồng/tấn. Trong đó, thị trường Trung Quốc nhập nhiều nhất với 1,4 triệu tấn, chiếm 42%. Kim ngạch đạt 98,4 triệu USD, giá bình quân đạt 1,6 triệu đồng tấn.

Ngoài ra, các thị trường khác như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan cũng nhập nhiều quặng và khoáng sản kim loại của Việt Nam trong năm qua. Cụ thể như Hàn Quốc nhập hơn 217.000 tấn quặng, hơn 70.800 tấn than; Nhật Bản nhập hơn 92.800 tấn quặng, hơn 530.000 tấn than và hơn 271.000 tấn dầu thô.

Thái Lan cũng nhập hơn 10.600 tấn quặng, hơn 70.000 tấn than và gần 1 triệu tấn dầu thô của Việt Nam. Tuy nhiên, giá dầu thô Việt Nam xuất sang Thái Lan có giá rẻ hơn trung bình chung, chỉ đạt 7,4 triệu đồng/tấn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập lượng lớn than và dầu thô của các nước. Về dầu thô, năm 2020 nhập hơn 11,7 triệu tấn, kim ngạch hơn 3,8 tỷ USD, đơn giá bình quân khoảng 7,4 triệu đồng/tấn.

Lượng than nhập năm 2020 cũng đạt trên 54,8 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 3,8 tỷ USD, giá nhập tương đương 1,6 triệu đồng/tấn. Trong đó, Indonesia và Nga là hai đối tác Việt Nam nhập than nhiều nhất với lần lượt là 17 triệu tấn (từ Indonesia) và 7,6 triệu tấn (từ Nga). Trong khi đó, Trung Quốc nhập chỉ gần 270.000 tấn, nhưng giá mua khoảng 6 triệu đồng/tấn, gấp gần 4 lần so với giá nhập bình quân từ các nước.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), loại than nhập từ Trung Quốc chủ yếu là than chất lượng cao, than cốc tinh luyện để sử dụng trong ngành công nghiệp tinh luyện quặng. Còn các loại than nhập từ Indonesia, Nga chủ yếu là than phẩm cấp thấp, than cám, phục vụ cho nhiệt điện.

Một điều đáng chú ý, kể từ năm 2017 cho đến nay, Việt Nam tăng cường nhập than số lượng lớn, từ sản lượng nhập khẩu hơn 14,6 triệu tấn năm 2017, đến 22,8 triệu tấn năm 2018, năm 2019 vượt lên 43,7 triệu tấn và năm 2020 ghi nhận con số cao hơn 54,8 triệu tấn than nhập khẩu.

Lượng than Việt Nam phải nhập khẩu từ 4 năm trở lại đây đã tăng trên 40 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng 10 triệu tấn/năm. Hiện, tổng sơ đồ điện 7, điện 8 của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn điện từ nhiệt điện than. Do đó, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ vẫn nhập khẩu số lượng lớn than từ các nước.