Người tiêu dùng bị… “xài sang”
Nếu năm 2003, giá bán một chiếc Daewoo Matiz chỉ tương đương 9.000 USD, thì tại thời điểm này, một chiếc Spark (tên gọi khác của Matiz) có giá 14.000 USD.
Thống kê cho thấy, năm 2004, khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các loại xe dưới 5 chỗ ngồi tăng từ 5% lên 24%, cũng như việc tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mặt hàng này đã ngay lập tức khiến các hãng xe hơi tăng giá xe để duy trì lợi nhuận.
Hệ quả là, chỉ có người tiêu dùng phải gồng mình chịu mức giá luôn cao gấp 3 - 4 lần so với giá xe của các nước trên thế giới.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm tìm kiếm cơ sở đội giá lên cao của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài được thông báo rùm beng lúc ban đầu, nhưng rồi đều không thấy công bố các kết quả thu được trong quá trình kiểm tra, giám sát này.
Ngay cuối năm 2008, một cuộc kiểm tra về mức độ nội địa hóa của một số hãng xe so với các cam kết và ưu đãi được hưởng của Bộ Tài chính đã cho thấy, dù không đạt cam kết đưa ra, nhưng nhiều hãng xe vẫn được hưởng đủ các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra, như giảm thuế TTĐB.
Đáng chú ý hơn, bất kỳ biến động nào về thuế tăng, thì giá xe của các liên doanh đưa ra cũng tăng tương ứng, trong khi các biến động về thuế làm giảm giá xe luôn được các hãng xe tính toán chi ly.
Chả vậy mà, mặc cho các dự báo được đưa ra như “chỉ còn 3 liên doanh hàng đầu tồn tại được ở thị trường Việt Nam” hay “nhiều hãng xe sẽ rút lui vì không hiệu quả” được các cơ quan chức năng đưa ra trước đây khi nhìn vào thị trường còn rất nhỏ như Việt Nam với số lượng xe bán ra mới xấp xỉ 100.000 xe/năm mà có tới 15 - 16 liên doanh ô tô, nhưng rốt cuộc chẳng thấy ai rút lui.
Và người tiêu dùng, khi có nhu cầu sở hữu ô tô, vẫn cứ phải chấp nhận mức giá “trên trời”.
Theo Hoàng Minh
Báo Đầu tư