1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người Sài Gòn "săn" vải thiều tiến Vua dù giá cao ngất ngưởng

Đại Việt

(Dân trí) - Nhiều người dân tại TPHCM đang săn lùng vải thiều u trứng trắng tiến Vua dù có giá bán lên tới 150.000 đồng/kg.

Người Sài Gòn săn vải thiều tiến Vua dù giá cao ngất ngưởng - 1

Nhiều người dân tại TPHCM đặt mua vải thiều u trứng trắng về ăn (Ảnh: Đ.V).

Chị Nguyễn Thanh Huyền (quận 10) cho biết, gia đình chị đã đặt mua 2 kg vải thiều u trứng trắng về ăn. Theo chị Huyền, vải thiều u trứng trắng có mùi rất thơm, cùi dày và ngọt. Đây là loại vải thiều chất lượng được dùng để tiến Vua ngày xưa.

"Bố mẹ tôi quê ở Hải Dương nên biết rất rõ loại vải này. Vải thiều u trứng trắng chỉ có trong khoảng 1 tuần đầu mùa, sau đó vài tuần thì các loại vải thiều khác mới bắt đầu thu hoạch. Vải thiều u trứng trắng cũng được công nhận là loại vải thiều ngon nhất Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi ký vải thiều này có giá lên tới 150.000 đồng/kg", chị Huyền nói.

Người Sài Gòn săn vải thiều tiến Vua dù giá cao ngất ngưởng - 2

Mỗi ký vải thiều có giá 150.000 đồng (Ảnh: Đại Việt).

Còn theo chị Trần Thị Thanh Hương (quận 3), dù vải thiều u trứng trắng có giá khá "chát" nhưng gia đình chị vẫn mua 3 kg về ăn vì đây là "hàng hiếm", mỗi năm chỉ có một đợt để thưởng thức.

"Vải thiều u trứng trắng có giá gấp 3 - 4 lần những loại vải thiều khác nhưng chất lượng quả thì vượt trội. Các con tôi đều thích loại vải này", chị Hương nói.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, khi người dân mua vải thiều qua các sàn thương mại điện tử thì sản phẩm vải thiều u trứng trắng đều có tem truy xuất nguồn gốc. Người dân có thể kiểm tra được ngày sản xuất, quy trình sản xuất, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm....

Người Sài Gòn săn vải thiều tiến Vua dù giá cao ngất ngưởng - 3

Vải thiều u trứng trắng có tem truy xuất nguồn gốc có thể kiểm tra các thông số sản xuất (Ảnh: Đại Việt).

Người dân có thể xem nhật ký sản xuất quả vải mà mình mua về như: thời gian ủ phân, đốn tỉa cành, tưới nước, dùng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch...

Ông Mai Xuân Thìn, đại diện một doanh nghiệp phân phối vải thiều cho biết, hiện nay, doanh nghiệp này đang bán vải thiều u trứng trắng thông qua sàn thương mại điện tử để rút ngắn thời gian nhận hàng của khách và giảm bớt các khâu trung gian.

"Ví dụ, sáng nay vải thiều được cắt ở Thanh Hà (Hải Dương) thì chiều nay, khách ở Hà Nội đã nhận được vải tại nhà. Chúng tôi cố gắng đưa vải thiều đến tay người dùng trong vòng 3 ngày, tính từ khi vải được cắt. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng thơm ngon của quả vải", ông Thìn nói.

Ông James Dong, đại diện Lazada Việt Nam chia sẻ, đơn vị này cũng đang hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử. Hàng tấn vải thiều đã được tiêu thụ mỗi ngày trên sàn này.

"Khi bán qua sàn thương mại điện tử, nhà phân phối chỉ cần đưa vải thiều về kho, đội ngũ shipper sẽ đến lấy hàng để giao cho khách mà không phải thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào. Trong vòng 4 giờ, vải được giao đến tận tay người tiêu dùng", ông James Dong nói.

Người Sài Gòn săn vải thiều tiến Vua dù giá cao ngất ngưởng - 4

Kể từ khi được cắt, quả vải sẽ đến tay người tiêu dùng trong vòng 4 ngày để giữ chất lượng thơm ngon (Ảnh: Đại Việt).

Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cho biết, đơn vị này cũng đang làm việc với tỉnh Bắc Giang và Hải Dương để thu mua vải thiều cho người dân.

Năm 2020, các hệ thống siêu thị nói trên đã tiêu thụ hơn 200 tấn vải thiều. Trong đó, vải thiều Thanh Hà là sản phẩm nằm trong nhóm có doanh thu cao nhất. Dự kiến, vải thiều sẽ có trên kệ của 2.500 điểm bán hàng của VinMart và VinMart+ vào cuối tháng 5.

Theo Bộ Công Thương, đơn vị này đang chung tay kết nối các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử và các siêu thị nhằm phát triển thị trường cho vải thiều Hải Dương, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho quả vải.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang làm việc với các nhà nhập khẩu vải thiều để đưa khoảng 100 tấn vải qua thị trường Australia.

Cũng theo Bộ Công Thương, vải thiều và một số loại nông sản của tỉnh Hải Dương sắp bước vào vụ thu hoạch. Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh là 9.186 ha, nhiều vùng trồng đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (1.000 ha). Đáng lưu ý, có 520 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50 ha được cấp chứng nhận này.

Riêng huyện Thanh Hà - "thủ phủ" vải thiều của tỉnh Hải Dương - có 3.328 ha vải. Trong đó có khoảng 1.600 ha vải thu hoạch sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải ước đạt 50.000 - 55.000 tấn, trong đó, vải thu hoạch sớm khoảng 30.000 - 35.000 tấn, vải chính vụ là 20.000 - 25.000 tấn vải chính vụ, tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Huyện Thanh Hà đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Singapore…