Gia Lai
Người phụ nữ “chân đất” tiên phong đưa cam sành về phố… “thu quả ngọt”
(Dân trí) - Từ bàn tay trắng, nhưng bà Hoàng Thị Thu (48 tuổi, trú tại thôn Ngol, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã mạnh dạo đi đầu đưa loại cam sành trồng thử nghiệm trên vùng đất bazan. Trong vụ đầu tiên, với 800 gốc cam trên vùng đất “sỏi đá” bà Thu đã thu khoảng 100 triệu và mở ra mô hình mới cho bà con học hỏi.
Vốn sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, tuy nhiên do đất đai ít lại kém màu mỡ nên hai vợ chồng bà Thu khăn gói vào Gia Lai lập nghiệp. Năm 1996, hai vợ chồng bắt đầu chập chững những bước chân đầu tiên trong với cây cà phê. Thế nhưng, đến năm 2015, khi những cây cà phê bắt đầu già cỗi, kém năng suất; cà phê rớt vào thảm cảnh “mất mùa, mất giá’ nên bà Thu bàn bạc với chồng phá cà phê chuyển sang trồng cam sành.
Từ một nông dân “chân đất”, bà Thu đã khăn gói đi khắp một số huyện lân cận để học hỏi mô hình trồng cam. Đêm đêm, bà mò mẫm lên mạng bằng chiếc điện thoại nhỏ để học cách trồng và chăm sóc giống cam sành. “Khó khăn nối tiếp khó khăn”, cà phê “mất mùa” nên gia đình bà Thu khó khăn vì kinh tế, không có vốn đầu tư giống, làm đất.
Lúc này, bà Thu đã liên hệ với nguồn từ ngân hàng chính sách và huy động nhiều nguồn vốn để khởi nghiệp với loại cam sành. Thấy bà Thu liều lĩnh bỏ một số vốn lớn cả trăm triệu đồng để đầu tư vào cây trồng khá mới mẽ nên mọi người cũng khuyên can. Tuy nhiên, bà Thu vẫn quyết định trồng cây cam sành theo phương pháp xen canh, “lấy ngắn nuôi dài”.
“Nói là làm”, hai vợ chồng không trồng ồ ạt mà chỉ lấy mấy cây về thử nghiệm trước. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thu kể lại: “Ngày đó, tính trồng cả vườn luôn nhưng sợ đất đai không thích hợp, vì thời điểm ấy xung quanh cũng chưa ai trồng loại cam này. Sau một thời gian theo dõi quá trình phát triển cũng như đơm hoa kết trái của loại cam này thì thấy phát triển khá nhanh. Ngoài ra, chất lượng cũng như số lượng cũng đạt tiêu chuẩn, khá ngọt và sai quả nên năm 2016 mua gần 800 cây giống dưới miền Tây về trồng hẳn…”.
Sau 28 tháng dày công chăm sóc kỹ càng, vụ thu bói năm 2018 vườn cam hơn 800 gốc của bà đã đạt 3 tấn quả, với giá bán 25.000 đồng/kg và bà đã thu được gần 70 triệu đồng. Theo dự tính của bà Thu vụ mùa năm nay vườn cam của bà sẽ đạt khoảng hơn 5 tấn.
Với việc đi đầu đưa mô hình cam sành trên vùng đất sỏi đá đã mở ra một con đường mới cho các hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, hàng năm bà con thuê nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số đi chăm sóc vườn cam nhằm tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
“Hiện tại, về thổ nhưỡng và khí hậu đất ở đây rất thích hợp để trồng cam, năng suất khá cao lãi nhiều hơn so với trồng cà phê ngược lại công cán cũng thấp hơn so với cà phê, hồ tiêu. Về bệnh tật, cam thường mắc một số loại bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ…Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì những bệnh này cũng không hẳn là quá nguy hiểm. Tôi và chồng cũng thường xuyên ủ tỏi, ớt để phun, ngoài ra cần thường xuyên tiến hành tỉa cành già, cành sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu để phòng ngừa các loại bệnh trên…”, bà Thu kể.
Cũng theo bà Thu, sau khi thu hoạch được khoảng 1 tháng cần tiến hành cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…Đặc biệt, người dân nên quét vôi vào gốc cây phòng trừ sâu bệnh và bắt đầu một vụ mùa mới chất lượng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tiến hành bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời và đúng cách để cây có thể hút chất dinh dưỡng chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Dù bước đầu đã thành công với cam sành nhưng bà Thu không mở rộng thêm diện tích cam mà quay sang thử nghiệm quýt đường. Hiện trong vườn của bà đã có gần 600 cây quýt đường, ngoài ra bà còn xen canh thêm 150 cây sầu riêng. Sau 3 năm gắn bó với cây ăn quả trong vườn, giờ đây vườn bà Thu đã có đủ các loại cây như cam sành, quýt đường, bưởi da xanh, sầu riêng…
Nhận xét về mô hình trồng cam sành và quýt đường của gia đình bà Thu, đại diện Trưởng thôn làng Ngol chia sẻ: “Cá nhân bà Thu là người phụ nữ khá mạnh dạn trong việc tiên phong các mô hình kinh tế trong làng. Thời điểm ấy, dù không có ai giám thử nghiệm trồng cam, không có một cây cam xuất hiện trên vùng đất này nhưng bà vẫn mạnh dạn đưa về trồng.
Hiện vườn cam của bà Thu phát triển khá tốt, quả khá sai và rất ngọt. Bên cạnh việc làm giàu cho bản thân, bà Thu còn tận tình tuyên truyền và hướng dẫn bà con trong làng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Cụ thể, ngay sau khi người dân chuyển sang trồng xen các loại cây ăn quả bà đã tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho họ”.
Phạm Hoàng