Phú Yên:

Người nuôi tôm hùm lao đao vì bệnh sữa

(Dân trí) - Người dân nuôi tôm hùm tại Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang thấp thỏm lo lắng vì tình trạng tôm hùm chết với tỉ lệ cao. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tôm bị bệnh sữa.

Theo Sở Nông và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện nay tôm hùm nuôi lồng có trọng lượng từ 0,2 kg đến 0,7 kg/con tại thị xã Sông Cầu đang bị bệnh sữa chết rải rác, tỉ lệ chết từ 10-30% tổng đàn. Cá biệt một số lồng nuôi tôm hùm bông tỷ lệ chết từ 50% đến 70%. Hiện tại theo số liệu thống kê đã có 16.597 lồng trên 20.918 lồng đã có tôm bị bệnh.


Người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) thấp thỏm lo lắng vì tôm hùm chết rải rác vì bệnh sữa

Người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) thấp thỏm lo lắng vì tôm hùm chết rải rác vì bệnh sữa

Dấu hiệu bệnh lý: các đốt ở phần bụng của tôm chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”, dịch tiết của cơ thể bao gồm cả máu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão, gan tụy có màu nhợt nhạt và có trường hợp hoại tử.

Theo kết quả phân tích 9 mẫu tôm bệnh tại 3 khu vực nuôi khác nhau của thị xã Sông Cầu, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, cả 9/9 mẫu đều bị nhiễm vi khuẩn Rickettsia like bacteria - tác nhân gây bệnh sữa.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây phát sinh bệnh trên tôm hùm cũng là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con trong mỗi lồng nuôi, làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng tình hình mưa lũ vừa qua kéo dài đã làm cho các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu bị ngọt hóa trong thời gian qua lâu, dẫn đến sức đề kháng của tôm hùm bị suy yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh.

Để có biện pháp xử lý tôm bệnh và tránh các trường hợp bệnh tiếp tục lây lan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên - ông Nguyễn Trọng Tùng đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan trong tỉnh vào cuộc thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các vùng nuôi tôm hùm bị bệnh để nhanh chóng khống chế bệnh và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh tôm hùm.

Ngoài ra khuyến cáo bà con nên có khoảng cách nuôi đúng mật độ, tăng cường kiểm dịch, nhất là giống tôm hùm nhập khẩu; bên cạnh đó di chuyển lồng nuôi đến vị trí có môi trường thuận lợi; bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng của tôm …

Trung Thi