Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Bất động sản được 1 đồng, nền kinh tế được 2

(Dân trí) - Ngày 25/11 tới, Quốc Hội sẽ thông qua dự thảo Luật Nhà ở, trong đó có nội dung mở cửa cho người nước ngoài mua nhà. Dư luận đang nóng lòng mong đợi Dự thảo sẽ được thông qua với những điều khoản thông thoáng để kịp đón luồng tiền mới, đem lại sinh khí cho thị trường bất động sản.

BĐS đang ngóng sự nới lỏng của chính sách
BĐS đang "ngóng" sự nới lỏng của chính sách
 
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), thị trường BĐS có vai trò quan trọng, giữ 40% của cải vật chất của cả xã hội. Các hoạt động liên quan đến BĐS như tài chính-tín dụng, xây dựng, vật liệu xây dựng, lao động…chiếm 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Việt Nam: quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105
* Cửa hàng "ôm 60 đô một giờ" thu hút 10.000 khách một tuần
* Chính phủ quy định 12 đối tượng tinh giảm biên chế
* Định giá để chống độc quyền, nâng giá dịch vụ tại sân bay
* Đầu tư công: Biết tiết kiệm nhờ... thiếu tiền?
* 3 lý do lý giải Trung Quốc không thể thống trị châu Á
* Chính thức "siết" cho vay đầu tư chứng khoán

Nói cách khác, BĐS chính là động lực thúc đẩy các ngành nghề khác tăng trưởng. Tại các nước phát triển, hiệu suất đầu tư được đo lường rất rõ với 1 USD đầu tư vào BĐS, các ngành nghề liên quan sẽ tăng giá trị lên từ 1,5 – 2 USD.

Tại Việt Nam, giá trị của thị trường BĐS chiếm khoảng 5,4% GDP, xây lắp chiếm khoảng 5,3% GDP, tổng hoạt động chiếm đến 11% GDP. Nếu tính thêm tác động vào các ngành vật liệu xây dựng, tài chính – tín dụng, lao động...chắc chắn, đóng góp của các hoạt động liên quan đến BĐS với nền kinh tế là con số không hề nhỏ.

Do đó, “soi chiếu” dưới góc độ thị trường, rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng giống việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các dự án FDI. Trước mắt, có thể tạo ra cạnh tranh nhưng về lâu dài, thị trường và nền kinh tế được lợi.

Và cái lợi của việc thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS đã quá rõ. Theo số liệu công bố mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/8/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước là 82.295 tỉ đồng; trong đó, tồn kho căn hộ chung cư hiện vào khoảng 17.000 căn, tương đương với 26.000 tỉ đồng. Đáng chú ý là tồn kho lớn chủ yếu tập trung vào các dự án BĐS cao cấp, căn hộ chung cư diện tích lớn. Chính vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách của Nhà nước cần tập trung “giải phóng” phân khúc này.

Với thực tế trong nước, mọi hy vọng đang đổ dồn vào nguồn vốn ngoại. Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế bất động sản đánh giá, nếu điều khoản “người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà” được Quốc hội thông qua thì sẽ tạo ra một lực cầu rất mạnh cho thị trường.

“Có hai vấn đề chính, thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, 4-5 năm nay chưa khai thông. Thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản và người nước ngoài cũng rất là mong đợi” – Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân khẳng định.

Ở góc nhìn rộng hơn, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, khi người nước ngoài được sở hữu, kinh doanh nhà ở Việt Nam, họ cũng sẽ tạo ra một lực cầu mạnh đối với tiêu dùng và thị trường. Hưởng lợi đầu tiên là các ngành có liên quan trực tiếp như xây dựng, nguyên vật liệu, nội thất, nhân công... tiếp đến là các ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ.

Như vậy với 1 USD đổ vào BĐS, nền kinh tế thu lợi không chỉ  2 USD mà còn nhiều hơn thế. Đó là lý do, thị trường đang kỳ vọng vào sự quyết đoán của các nhà làm chính sách để không lỡ cơ hội đón luồng tiền mới cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.
 

“Hãy tạo cơ hội cho thị trường” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường:

Tâm lý loay hoay nới hay không nới cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam là tâm lý của thời bao cấp. Hội nhập quốc tế nhưng lại cứ lo, lo cái này cái kia mà nhiều cái lo cũng không được hiện thực cho lắm. Chúng ta chỉ nên cảnh giác những thứ thật sự cần thiết, còn lại hãy nên tạo cơ hội cho thị trường.

Thị trường cần được “giải phóng” - Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc của Indochina Capital

Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới sẽ thu hẹp trong 10-20 năm. Nếu tạo ra một thị trường cho người giàu có, thì đây là thị trường tiềm năng rất lớn, với sản phẩm được đầu tư tốt, giá hợp lý, đặc biệt khi Việt Nam mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà. Tôi cho rằng đã đến lúc cần "giải phóng" cho thị trường bất động sản Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

HS