Mở cửa cho “Tây” mua nhà: Việt Nam đang chậm chân?

(Dân trí) - Mở rộng cho người nước ngoài mua nhà là hình thức xuất khẩu “trọn gói” tại chỗ. Hầu hết các nước có chính sách thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà đều có thị trường bất động sản tăng trưởng ổn định.

Nguồn cung BĐS trung và cao cấp dồi dào
Nguồn cung BĐS trung và cao cấp dồi dào

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Đình chỉ công ty xuất khẩu mỡ “bẩn” cho Đài Loan
* Chủ tịch VietinBank “phản pháo” người tiền nhiệm
* 10 cách hay để tiết kiệm chi tiêu

Ucraina sẽ trả hết nợ cho Nga nếu…!
* Chủ tịch MobiFone: "Đổi tên thành Tổng công ty không phải để oai"
* Thực phẩm bẩn dùng làm gì?
* Khắp ASEAN làm ôtô, Việt Nam chờ xem đã

Thị trường đang kỳ vọng vào sự quyết đoán của các nhà làm chính sách để không lỡ cơ hội đón luồng tiền mới cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.

Xuất khẩu “trọn gói”

Ít có kế hoạch sửa đổi chính sách nào lại nhận được sự quan tâm theo dõi và đồng thuận cao của xã hội như phương án mở rộng chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là nội dung mang tính đột phá cho phép “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam” được mua nhà.

Phần lớn chuyên gia kinh tế đều khẳng định “chúng ta chỉ được chứ không mất gì” khi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam.
 
Ông Đặng Hùng Võ – chuyên gia bất động sản kỳ cựu cho biết: “Việc cởi mở, loại bỏ bớt những điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế bởi đây là giải pháp giống như xuất khẩu bất động sản tại chỗ. Tôi cho rằng, địa ốc ở Việt Nam thì vẫn ở Việt Nam, không lo “chạy đi đâu” cả. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn kho phân khúc cao cấp đang chiếm nhiều, bởi vậy, việc cởi mở cho người nước ngoài mua nhà sẽ là giải pháp hay để giải phóng hang tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho phân khúc cao cấp”.

Phân tích kỹ hơn về hình thức xuất khẩu tại chỗ này từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp HCM chỉ rõ, mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở chúng ta sẽ xuất khẩu trọn gói từ nguyên vật liệu, thiết bị nội ngoại thất đến nhân công... Không chỉ các ngành nghề trực tiếp cung ứng cho việc hình thành một ngôi nhà, các ngành nghề, dịch vụ liên quan cũng được hưởng lợi từ chính sách cởi mở này.

Ở góc độ quốc gia, các điều khoản thông thoáng trong Dự luật Nhà ở sửa đổi cũng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho Việt Nam trên bình diện chung của nền kinh tế. Đất đai không thể mang đi nhưng dòng ngoại tệ đổ vào Việt Nam chắc chắn sẽ mang theo việc làm và sự phát triển, giúp tăng tổng cầu và đóng góp vào sự tăng trưởng. Thậm chí, trong trường hợp, người nước ngoài mua nhà mà không ở thì Nhà nước vẫn có thêm nguồn thu từ các loại thuế liên quan.

Chính Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở tối đa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thay vì “thò thụt” vừa khó quản lý, vừa không đem lại sự thông thoáng cho dòng vốn.

Việt Nam đang chậm chân?

Tham chiếu từ các nền kinh tế ngay cạnh Việt Nam như Hongkong, Malaysia, Singapore... có thể thấy chính sách nhà ở cho người nước ngoài của họ đều rất cởi mở và thị trường bất động sản luôn tăng trưởng ổn định.

Điển hình cho sự thành công nhờ khơi thông dòng vốn ngoại là Singapore. Là một đảo quốc có diện tích rất nhỏ (tương  đương huyện Cần Giờ-Tp HCM)  nhưng thay vì lo ngại “hết chỗ”, Singapore gần như không hạn chế cho người nước ngoài mua nhà thương mại. Với chính sách này, Singapore  thu được nhiều khoản thuế từ việc đánh thuế nhà ở và đất ở hàng năm và có thể đầu tư ngược lại cho nhà ở xã hội.

Nhờ chính sách tự do hóa giao dịch bất động sản cho người nước ngoài, thị trường bất động sản Singapore nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, giá nhà ở tăng trưởng ổn định bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đầu tư giảm, sức mua yếu.

Tương tự Singapore, Malaysia cũng nới lỏng thị trường bất động sản. Nhờ đó, thị trường nhanh chóng vượt qua khó khăn, đi vào chu kỳ tăng trưởng ổn định, kéo theo các ngành liên quan và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Gần gũi nhất với Việt Nam là Trung Quốc. Nước này từng giới hạn quyền mua bán đất của các nhà đầu tư nước ngoài tại Bắc Kinh, theo đó phải sống tại Thủ đô đủ một năm mới được mua một căn nhà. Ngay lập tức, điều luật này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Bắc Kinh, thị trường sụt giảm nhanh chóng khiến 9 cơ quan quản lý liên quan đến thị trường bất động sản Trung Quốc đều phải nhất trí gỡ bỏ giới hạn này.

Theo nghiên cứu của Credit Suisse tại một số quốc gia châu Á thì luôn có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính sách sở hữu bất động sản và sự tăng trưởng phát triển ổn định của thị trường này. Một số nước tại châu Á đã giúp cải thiện đáng kể ngành bất động sản nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, những nền kinh tế có chính sách rộng mở nhất đối với việc cho phép người nước ngoài (NNN) mua BĐS như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hong Kong… cũng là nơi có thị trường bất động sản lớn mạnh và bền vững bậc nhất.

Trong khi các nước láng giềng đã tiến những bước xa thì Việt Nam vẫn đang loay hoay bài toán “mở ra đóng vào”.  So với hầu hết các nước ASEAN, Việt Nam hiện đang có những quy định chặt chẽ bậc nhất, dẫn đến tình trạng chính sách “có như không”. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề nghị Chính phủ nhân dịp sửa đổi chính sách này nên mạnh dạn mở rộng đặc biệt chấp nhận cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà để tạo động lực mới cho thị trường, đồng thời thể hiện tinh thần cởi mở hội nhập.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường, chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng: “Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là một điểm không thể ngăn cấm vì chúng ta đã gia nhập WTO, các hiệp định TPP và FTA cũng đang sắp đến hồi kết. Việt Nam không thể hạn chế người nước ngoài mua nhà vì đây là một sân chơi sòng phẳng”.

 Hoành San

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”