Người người đi ăn tất niên, hàng lẩu nướng, quán cà phê thu tiền sướng tay
(Dân trí) - Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều nhà hàng lẩu nướng, quán cà phê,… phải phục vụ lượng khách đông gấp nhiều lần khi người người, nhà nhà đều đi ăn tất niên khiến doanh thu cao gấp 3 – 4 lần.
Nhóm khách cuối cùng rời đi khi đã gần 12 giờ đêm, lúc đó anh Phạm Quang Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quản lý một quán đồ nướng và lẩu trên phố Phan Chu Trinh mới được dọn dẹp và đóng cửa nhà hàng.
Vừa dọn dẹp nhà hàng cùng nhân viên, anh Bình vừa nói: “Bình thường nhà hàng tôi chỉ mở đến 11 giờ đêm nhưng dạo này số lượng khách quá tải nên có khi họ phải chờ mới có bàn nên mình cũng đóng cửa muộn chút”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Bình cho biết rằng khoảng 1 tháng trở lại đây, nhà hàng của anh phải tiếp đón lượng khách đông gấp 3 - 4 lần khi các gia đình, công ty, các nhóm bạn bè,… đều đổ đi ăn tất niên.
“Khách đông hơn hẳn nên tất nhiên doanh thu của cửa hàng cũng tăng đáng kể. Nếu để so sánh thì chỉ trong vài tuần này cũng kiếm bằng mấy tháng mùa hè. Nhưng vì lượng khách tăng đột biến như vậy nên nhà hàng càng phải cố phục vụ chu đáo, đồ ăn phải đảm bảo chứ nếu mắc lỗi vào thời điểm này thì sẽ bị tẩy chay ngay”, anh Bình chia sẻ.
Vào thời điểm cuối năm, mỗi nhà hàng lẩu nướng có doanh thu đến 150 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên, từ nhà hàng lẩu nướng vỉa hè đến nhà hàng lẩu nướng sang trọng, các quán cà phê vỉa hè đến sang chảnh cũng đều có lượng khách tăng đột biến trong khoảng 1 tháng này, doanh thu đều tăng gấp 2 – 3 lần.
“Bình thường khi tụ tập bạn bè hay đồng nghiệp, chúng tôi cũng chỉ thống nhất ăn lẩu và nướng rồi đi ngồi cà phê nói chuyện vì nó phù hợp với mọi người, dễ chọn, dễ ăn, vừa túi tiền và ngon nữa”, chị Phạm Huyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số thực khách, vì bữa tất niên nào họ cũng đi ăn lẩu và nướng nên vô tình bị ngấy hay thậm chí có phần sợ đi ăn tất niên.
“Tôi mới chỉ ăn 3 bữa tất niên thôi mà đã thấy sợ rồi vì bữa nào cũng ăn lẩu, nướng rồi bia rượu. Cuối năm nào, bữa nào cũng chỉ ăn lẩu, nướng khiến mình ăn không còn cảm thấy ngon miệng nữa nhưng vì mọi người chọn nên mình vẫn phải đi”, anh Nguyễn Tuấn Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Một số nhà hàng nướng và lẩu cho biết, dù có chuẩn bị đồ ăn nhiều gấp 2-3 lần nhưng vẫn không đủ.
Đáng nói, về doanh thu trong những ngày cuối năm này, một số nhà hàng lẩu nướng vỉa hè thu về khoảng 30 – 40 triệu đồng/ngày, trong khi đó, những nhà hàng lẩu nướng lớn hơn có doanh thu lên tới khoảng 150 triệu đồng/ngày.
Về doanh thu của những quán cà phê thì khoảng 20 – 30 triệu đồng/ngày nếu quán có bán kèm đồ ăn, bánh ngọt,…
“Khách đến ăn những ngày này đương nhiên phải gọi đặt bàn trước, nếu không thì đành đến chờ khi nào có nhóm ra về mới có bàn mà ngồi. Thậm chí có khi chúng tôi còn phải đuổi khéo khách về vì nhà hàng quá tải, đồ ăn chuẩn bị nhiều gấp 2 - 3 lần cũng vẫn hết dù chưa đến giờ đóng cửa”, chị Hải Yến, chủ một nhà hàng lẩu nướng trên phố Triệu Việt Vương chia sẻ thêm.
Hồng Vân