Người giỏi ra nước ngoài hết, lấy ai phát triển đất nước?
Trình độ, năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở tốp cuối trong 12 nước tham gia TPP.
“Nếu chúng ta cứ ảo tưởng, coi giá lao động thấp là một lợi thế cạnh tranh thì chúng ta sẽ sai lầm”.
PGS Hoa Hữu Lân (ảnh), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội Hà Nội, nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo “Thuận lợi và thách thức với Hà Nội khi Việt Nam (VN) gia nhập TPP” vừa tổ chức tại Hà Nội. PGS Lân nói:
“Một trong những điểm đặc biệt của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cho phép luân chuyển lao động trong các nước thành viên. Lao động VN có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm ở các nước khác trong TPP. Ngược lại, lao động các nước cũng có cơ hội tràn vào nước ta”.
Đừng ảo tưởng về lao động giá rẻ
Liệu VN có nên tiếp tục coi giá lao động rẻ là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư như lâu nay không, thưa ông?
Dân số VN đang ở thời kỳ vàng và giá cả lao động cũng đang thấp hơn 1-12 lần so với các nước trong TPP. Đây có thể coi là một trong những lực hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Giá lao động thấp cũng đồng nghĩa với việc tay nghề và trình độ, thu nhập của lao động VN thấp. Trước mắt, với tỉ lệ thất nghiệp và nhu cầu việc làm của VN đang tăng cao thì tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư, mang lại việc làm trong ngắn hạn là điều cần thiết.
Tuy nhiên, về lâu dài điều này không tốt cho quá trình phát triển bền vững của VN. Nếu chúng ta cứ ảo tưởng, coi giá lao động thấp là một lợi thế cạnh tranh thì chúng ta sẽ sai lầm.
Số liệu công bố mới đây cho thấy phải 50 năm nữa năng suất lao động của VN mới đuổi kịp Thái Lan, còn so với các nước trong TPP thì sao, thưa ông?
VN là thành viên trẻ nhất và cũng là thành viên “đội sổ” trong 12 nước TPP về nhiều mặt. Trong đó, trình độ lao động của VN hiện đang ở tốp cuối TPP.
Hiện giá lao động thấp là một trong những lực hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: HTD
Các nước thành viên TPP có nền kinh tế phát triển, trình độ lao động và quản lý rất cao. Họ vào VN đầu tư nên cần những lao động có kỹ năng thao tác, tác phong công nghiệp chuẩn mực, chính xác. Bên cạnh đó phải có trình độ ngoại ngữ và sự am hiểu luật pháp quốc tế. Nếu lao động chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu này các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thu nhận và họ phải đưa lao động nước họ qua.
Khi đó lao động có trình độ từ các nước sẽ tràn vào VN, đánh bật lao động VN ra khỏi những cơ hội việc làm tốt.
Lo “chảy máu” lao động chất xám
Việc cho phép luân chuyển lao động trong nội khối TPP có làm ông lo ngại lao động chất lượng cao của VN sẽ di chuyển ra nước ngoài làm việc?
Tôi cho rằng việc lao động giỏi, có trình độ, tay nghề sang các nước khác làm việc để có thu nhập cao, ổn định cuộc sống là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài là không có lợi cho quốc gia, cho sự tồn vong của dân tộc.
Nếu những người giỏi, có trình độ cao cứ đi hết ra nước ngoài làm việc có nghĩa là trong nước chỉ còn lại những lao động trình độ thấp. Vậy làm sao đất nước phát triển được? Một người lao động nếu ở VN được trả lương cao như ở nước ngoài, môi trường, điều kiện làm việc tốt thì làm gì có chuyện chảy máu chất xám!
Một kỹ sư Nhật sang VN làm việc, ngoài lương cao họ còn được hưởng các phụ cấp khác khi ở nước ngoài, xa gia đình, xa quê hương... Hay ở Mỹ, hiện nay giá nhân công cao gấp 40 lần VN. Mỹ hiện đang thiếu 10.000 điều dưỡng viên cao cấp, lương điều dưỡng viên khoảng 3.500-4.000 USD/tháng. Giáo viên tiểu học lương khoảng 2.800 USD/tháng cũng đang rất thiếu.
Rõ ràng với mức đãi ngộ như vậy, khi TPP có hiệu lực, lao động được luân chuyển tự do hơn, dẫn đến nguồn lao động chất xám của VN sẽ di chuyển sang các nước. Tôi rất lo ngại về xu hướng chảy máu lao động trình độ cao ra nước ngoài.
Môi trường nhếch nhác tạo ra người nhếch nhác
Các nhà đầu tư nước ngoài thường đánh giá lao động VN cần cù nhưng tính kỷ luật lao động thấp. Ông nghĩ gì về điều này?
Sự cần cù, chăm chỉ của lao động VN chưa đủ để đứng vững trên thị trường lao động. Yếu tố quyết định là trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định khi xin việc mà là khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng.
Bài toán nâng cao năng lực, trình độ cho lao động VN để hội nhập đã đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công. Theo ông, vì sao và chúng ta phải làm gì để khắc phục?
Tôi cho rằng một nền kinh tế tự chủ phải níu kéo được những lao động có tay nghề cao ở lại trong nước, bằng chính sách đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc tốt, nhân văn.
Song song đó để nâng cao chất lượng lao động VN cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn về trình độ ngoại ngữ. Thực tế nhiều lao động có tay nghề cao nhưng không có ngoại ngữ nên khó có thể trở thành công dân toàn cầu, khó có thể hội nhập vào môi trường làm việc trình độ cao.
Đặc biệt, thể chế phải tương thích với môi trường hiện đại, tác phong công nghiệp. Tôi lấy ví dụ đơn giản, nếu mặc một bộ quần áo bình thường, ta có thể lê la vỉa hè. Nhưng khi đã khoác trên người bộ complet, chắc chắn chúng ta không thể lê la tán gẫu như thế. Môi trường của chúng ta nhếch nhác nên mới tạo ra những lao động nhếch nhác. Còn nếu môi trường văn minh chắc chắn sẽ tạo ra những con người văn minh.
Đáng tiếc là hiện nay tư duy của chúng ta vẫn là tư duy tiểu nông “ba xoa hai đập”, làm ăn manh mún. Điều này khó có thể tạo ra được những lao động có phong cách công nghiệp, phù hợp với thế giới. Mà điều này thì lại tùy thuộc rất nhiều vào chiến lược giáo dục.
Xin cám ơn ông!
Chất lượng nhân lực gần chót bảng
Chất lượng nguồn nhân lực của VN còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá VN đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của VN chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB.
Năng suất lao động của VN thuộc nhóm thấp ở châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. Năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Như vậy, phải 50 năm nữa chúng ta mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động.
Nếu sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức thì một công ty, một nhà máy mặc dù làm ra hàng hóa có chất lượng cao, các nước trong TPP cũng không nhập khẩu hàng hóa đó. Đây là một trong những điểm mang tính nhân văn của TPP theo Công ước bảo vệ trẻ em của Liên Hiệp Quốc.
PGS Hoa Hữu Lân
Theo Chân Luận
Pháp Luật TPHCM