Bộ Công Thương: Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế lao động giá rẻ

(Dân trí) - Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam tận dụng lợi thế lao động giá rẻ khi bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế so sánh này.

Bộ Công Thương: Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế lao động giá rẻ
 Phía Hoa Kỳ cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập TPP, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển hướng sang các nước khác như Lào, Campuchia để tận dụng lao động giá rẻ tại đây.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Thông tin từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 10/4 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Trợ lý Nghị sỹ Hoa Kỳ.
 
Tại buổi làm việc, hai bên cùng trao đổi một số nội dung liên quan đến việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong bối cảnh nếu Hiệp định TPP được ký kết và đi vào có hiệu lực. Đặc biệt là đối với một số nội dung mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ tương đối quan tâm như nguồn lao động của Việt Nam, sở hữu trí tuệ, các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa trong khâu hải quan và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, ngân hàng…
 
Phía Hoa Kỳ nhìn nhận, Việt Nam có thế mạnh trong lao động giá rẻ tuy nhiên Việt Nam cần xem xét chuyển đổi vì khi gia nhập TPP có thể thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng dẫn đến chi phí lao động tăng và như thế các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các nước khác như Lào, Campuchia để tận dụng lao động giá rẻ tại đây.
 
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam tận dụng lợi thế lao động giá rẻ khi bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế so sánh này mà sẽ dần dần cải thiện lao động thành nguồn lao động tay nghề cao hơn.
 
Ngoài ra Việt Nam không chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư mà trong kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm tới Việt Nam sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế; đồng thời sẽ đặc biệt chú trọng việc phát triển các ngành cơ khí chính xác, điện tử, môi trường, sản phẩm tiêu dùng…
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính đến năm 2015 đã đạt tỉ lệ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước khoảng 90%. 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, theo quy định mới, Chính phủ sẽ mở rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và nắm giữ cổ phần tại các công ty đã được cổ phần hóa. Ngoài ra, Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để xây dựng, thực thi chính sách, công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ để bảo hộ doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước, Việt Nam luôn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế và tuyên truyền trong lĩnh vực này.
 
Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi các nội dung về việc thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa khâu thủ tục hải quan. Bộ Công Thương cũng đã thông báo việc Việt Nam đang tiến hành dự án Hải quan 1 cửa để thuận lợi hóa các thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung đầu tư, hợp tác tại Việt Nam; đồng thời cũng hy vọng rằng với tư cách là trợ lý tư vấn cho các Nghị sỹ Hoa Kỳ, đoàn công tác sẽ có những hỗ trợ tích cực trong việc ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa hai nước.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”