Người giàu Trung Quốc muốn rời đất nước

Ngày càng có nhiều người giàu có ở Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí, môi trường sống…

Bên cạnh đó, nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực do các chuyên gia không muốn tới hay ở lại nước này.

Ô nhiễm môi trường là một trong những điều đáng ngại nhất ở
Trung Quốc
Ô nhiễm môi trường là một trong những điều đáng ngại nhất ở Trung Quốc

150.000 người di cư một năm

Thiếu an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và cơ sở hạ tầng yếu là một trong số lý do khiến những người giàu có ở Trung Quốc đang muốn rời bỏ đất nước. Số liệu thống kê mới đây do trang mạng Sina của Trung Quốc công bố cho thấy, hơn 150.000 người dân nước này đã di cư khỏi Trung Quốc trong năm 2011, tương đương 1/10 dân số Philadelphia. Nơi định cư được lựa chọn nhiều nhất là New Zealand, thu hút khoảng 13% người di cư, tiếp theo là Canada, Australia và Mỹ. Đa số người dân Trung Quốc di cư với những lý do như đầu tư, lao động và du học trong khi cũng có những người ra nước ngoài theo cách ít chính thống hơn.

Nhóm những người giàu có và học vấn cao chiếm số lượng lớn nhất trong số những người di cư. Theo một báo cáo do ngân hàng thương mại Trung Quốc và hãng Bain & Company vừa công bố, trong số những chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục có tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 16 triệu USD) có tới 27% đã di cư ra nước ngoài, trong khi 47% khác cũng đang tính tới chuyện di cư. Trên thực tế, không chỉ những người giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc mà cả những người dân sống ở những thành phố “hạng hai” như Đại Liên, Trùng Khánh cũng muốn rời bỏ đất nước.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến làn sóng di cư. Một số lượng khá lớn người Trung Quốc đã di cư trong những năm đầu thời kỳ cải cách và mở cửa hồi năm 1978. Sau đó là một thập kỷ diễn ra làn sóng di cư bắt đầu vào cuối những năm 1980, chủ yếu là học sinh, sinh viên và nơi đến thường là Đài Loan, Hồng Kông, và các nước châu Á. Trong khi làn sóng di cư trước đây chủ yếu là những “công nhân cổ xanh” như đầu bếp, thợ may, thợ cắt tóc, thì hiện nay lại rời bỏ đất nước là những người có nghề nghiệp “ngược dòng” như kỹ sư, kế toán viên, luật sư, những người rất giàu có.

Thiếu cảm giác an toàn

Không khó để biết nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người dân Trung Quốc rời bỏ quê hương khi thông tin về tình trạng ô nhiễm, an toàn thực phẩm, chất lượng cuộc sống, giáo dục và cơ sở hạ tầng của nước này được các phương tiện truyền thông đưa tin bất lợi. Thậm chí, ngay cả việc mang hộ chiếu Trung Quốc gây phiền toái khi đi du lịch nước ngoài cũng khiến nhiều người dân nước này muốn tìm cách đổi màu hộ chiếu.

Làn sóng di cư đã khiến những người ở lại cảm thấy “vị đắng” trong khi một số người khác lại bày tỏ sự thông cảm. Một thành viên mạng xã hội Sina Weibo nhận xét: “Tiền vốn liên tục được chuyển ra nước ngoài, để lại một đống hổ lốn ở quê nhà”. Người khác thì bình luận: “Giá nhà cao ngất ngưởng, hệ thống giáo dục và y tế lệch lạc, môi trường ngày càng ô nhiễm... Với những lý do như thế này, không thể đổ lỗi cho những người muốn ra nước ngoài sinh sống, họ muốn tìm một môi trường thích hợp cho cuộc sống của mình”.

Nhiệm Chí Cường, một ông trùm bất động sản có ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc đã chỉ ra những lý do thực tế đằng sau làn sóng di cư của người dân nước này: Có rất nhiều lý do để di cư, nhưng điều quan trọng nhất là cảm giác an toàn. An toàn về cuộc sống, tài sản, thực phẩm, không khí, giáo dục... Việc cảm thấy thiếu cảm giác an toàn là một trong những lý do quan trọng gây ra bất ổn xã hội, chỉ khi người dân có cảm giác an toàn thì xã hội mới ổn định.

Rời bỏ đất nước... để thở

Không chỉ người Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước mà ngày càng có nhiều chuyên gia nước ngoài cũng không còn muốn ở lại nơi đây. Sau khi tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Bắc Kinh trở nên nghiêm trọng thời gian qua, ông Kirk Cordill, Giám đốc điều hành của tập đoàn ô tô Đức BMW tại Trung Quốc đã thông báo một tin xấu: Nhiều ứng cử viên cho các vị trí chuyên gia của công ty này đã rút hồ sơ tuyển dụng.

“Họ gọi điện tới và nói rằng gia đình họ không muốn tới Trung Quốc” - ông Kirk nói. Không chỉ BMW mà nhiều tập đoàn, công ty cũng rơi vào tình cảnh trên. Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, ô nhiễm không khí là một thách thức hàng đầu mà các công ty đang phải đối mặt, và đó là lý do khiến nhiều chuyên gia rời bỏ nơi này và những người mới thì không muốn đến.

Trong nhiều năm qua, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải đã trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như các sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tới tìm kiếm cơ hội. Marc van der Chijs là một trong số đó, ông đã tới Trung Quốc 13 năm trước đây và là nhà đồng sáng lập trang web chia sẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Tudou. Tuy nhiên, hồi tháng 3 vừa qua, ông đã đóng gói hành lý rời Thượng Hải để đến Vancouver, Canada. “Tôi muốn tìm một nơi mà các con tôi có thể lớn lên trong môi trường trong lành” - ông Chijs nói.

Bà Doreen Jaeger-Soong, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Hughes-Castell nói rằng, một trong những mối e ngại hàng đầu của những người nước ngoài khi xem xét tới Trung Quốc là vấn đề an toàn thực phẩm. "Hầu như bất kể người nào từ phương Tây tới đều lo lắng về an toàn thực phẩm và chất lượng cuộc sống" - bà Doreen nhấn mạnh.

Theo Thu Nguyên
ANTĐ/ Wall street journal, Theatlantic

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm