Người đưa thương hiệu đóng tàu xứ Quảng vươn xa
(Dân trí) - Bằng nghị lực và ý chí vươn lên, ông Đỗ Văn Thành (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã tạo dựng nên một cơ sở đóng tàu lớn. Góp phần khẳng định và đưa thương hiệu đóng tàu xứ Quảng vươn xa.
Sinh ra và lớn lên gắn bó cùng biển khơi, nên ngay từ nhỏ ông Thành đã có ước mơ được theo nghề đóng tàu.
Nghĩ là làm, khi lớn lên ông khăn gói sang Hội An học hỏi kỹ thuật đóng và chế tạo nên những con tàu lớn, giúp ngư dân yên tâm bám biển, rẽ sóng vươn khơi bảo vệ chủ quyền.
Năm 2003, ông mạnh dạn đầu tư mở cơ sở đóng tàu ở vùng biển Cẩm An. Địa điểm này sau bị giải tỏa, vì vậy ông quyết định cải tạo bãi đất thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) để tạo dựng nên cơ sở đóng tàu. Từ chỗ đóng những con tàu nhỏ vài chục mã lực, cơ sở ông dần lớn mạnh và chuyển sang đóng tàu công suất lớn hơn (cao nhất là 1.000 CV) đáp ứng nhu cầu phát triển nghề khai thác thủy sản của ngư dân.
Năm 2005, ông Thành nhận được đơn đặt hàng lớn khi bàn giao 7 chiếc tàu (mỗi chiếc có công suất 1.000 CV) cho ngư dân huyện Núi Thành, Thăng Bình (Quảng Nam) và huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng giá trị hơn 35 tỉ đồng.
Ông Thành cho biết: “Khi ngư dân đặt hàng mẫu tàu nào thì mình làm theo nhưng phải theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của Tổng cục Thủy sản quy định. Bên cạnh đó, phải chọn được loại gỗ tốt, sau đó thì đến các công đoạn khác nhưng tất cả đều đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mẩn, cận thận, đúng quy trình kỹ thuật”.
Khởi đầu nhiều khó khăn, vất vả trong việc tìm kiếm mặt bằng, huy động vốn và tìm kiếm khách hàng; nhưng với sự nỗ lực hết mình cùng sự ủng hộ của gia đình đã tạo cho ông cơ ngơi như ngày hôm nay.
Trong thời gian gần đây, khi mà Nhà nước có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ ngư dân đầu tư, làm mới tàu thì cơ sở ông Thành ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Ông Thành chia sẻ: “Khi tình hình biển Đông liên tiếp xảy ra nhiều vấn đề thì việc mà ngư dân quan tâm nhất hiện nay là có một chiếc tàu chắc chắn, đủ sức vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Từ đó, tôi linh hoạt cải tiến một số thiết kế để phù hợp với nhu cầu của ngư dân. Tuy là tàu vỏ gỗ nhưng rắn chắc, thớ gỗ dày chịu được các va chạm, sóng lớn”.
Hiện nay, cơ sở của ông có khoảng 40-50 thợ thuyền thu nhập từ 10 triệu/tháng/người, cao điểm tàu cần đóng nhiều thì số lao động có thể lên đến gần trăm người. Cơ sở của ông thu nhập từ 5-7 tỉ đồng/năm. Nếu có nhiều người đặt đóng tàu thì trung bình một năm có thể lên đến hơn 10 chiếc tàu cho ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định…
Ông Thành cho biết: “Động lực lớn nhất của tôi là yêu nghề, mong muốn theo đuổi nghề đóng tàu. Muốn tạo dựng nơi đây một xưởng đóng tàu lớn cho quê hương Duy Vinh và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Khi chưa có xưởng đóng tàu này mọi người thường phải đi làm ăn xa nhà, tứ xứ khắp nơi.
Điều vui nhất của tôi là mỗi lần thấy tàu của mình đóng đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sau mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt đầu tiên, ngư dân lại gọi về báo tin tàu chạy tốt, đánh bắt thắng lợi là tôi vui lắm”.
N.Linh-C.Bính