Người dân hoang mang giữa "ma trận" bảo hiểm xe máy
(Dân trí) - Nhiều người dân tỏ ra lúng túng, hoang mang trước rừng thông tin về bảo hiểm xe máy, ô tô với câu hỏi là nên mua loại bảo hiểm nào mà không bị Cảnh sát giao thông (CSGT)... "tuýt còi".
Các dịch vụ rao bán bảo hiểm xe máy, ô tô trở nên tấp nập, nhộn nhịp trước thông tin CSGT đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15/5 - 14/6.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra lúng túng trước rừng thông tin về bảo hiểm với câu hỏi là: Mua loại bảo hiểm gì để không bị CSGT "tuýt còi"?
Hiện nay, trên thị trường có các loại bảo hiểm dành cho xe máy là bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện (bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe và bảo hiểm vật chất cho xe máy).
Trong đó, bảo hiểm bắt buộc có tên chính xác là Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Còn bảo hiểm tự nguyện gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện.
Do là các loại bảo hiểm khác nhau nên quyền lợi người của người tham gia cũng khác nhau. Đơn cử như công ty bảo hiểm sẽ bồi thường mọi thiệt hại về thân thể và tài sản cho bên thứ 3, nạn nhân của vụ tai nạn do xe của người tham bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự gây ra.
Đối với bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe sẽ được công ty bảo hiểm hỗ trợ, bồi thường mọi thiệt hại về thân thể và người cùng ngồi trên phương tiện khi xe gặp tai nạn trong lúc tham gia giao thông.
Còn bảo hiểm vật chất xe máy thì do công ty bảo hiểm bồi thường cho chủ xe nếu xe của họ bị hư hỏng, thiệt hại do các tình huống ngoài tầm kiểm soát của chủ xe như cháy, nổ…
Theo quy định hiện hành thì người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông cần mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hay còn gọi là bảo hiểm bắt buộc, còn bảo hiểm tự nguyện có thể có hoặc không.
Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm a, khoản 2, điều 21, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng.
Tại điểm b, khoản 4, điều 21 cũng quy định phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Hoàng Dung