Người dân được quyền sở hữu, mua, bán vàng miếng
Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định trong ngày hôm qua (3/4).
Theo pháp luật hiện hành, người dân được quyền sở hữu và cất trữ vàng miếng, quyền mua bán, trao đổi vàng miếng, quyền gửi vào và rút ra vàng miếng tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng.
Theo NHNN, hiện cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và TP.HCM đã có gần 4.000 đơn vị. Song hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng có nhiều bất cập.
Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng môi giới kinh doanh vàng liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời. Đặc biệt là buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến với quy mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường vàng thời gian qua lộn xộn, theo ông Bình, là do chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán.
Cụ thể, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; tất cả các hoạt động khác như mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường lại do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố cấp phép; Bộ Công Thương thì quản lý thị trường…
Để giải quyết những bất cập nêu trên, cũng theo ông Bình, NHNN cũng đã dự thảo xong nghị định thay thế Nghị định 174 năm 1999 về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo nghị định đang các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh vàng trong tháng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II/2011. Hướng quản lý hoạt động kinh doanh vàng là tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, từng bước thu hẹp và tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.
Mặt khác, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công an, Bộ Công Thương, địa phương giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Ban hành quy định về chế tài xử lý vi phạm, kể cả đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, thu tài sản, quy định khen thưởng đối với việc phát hiện các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm.
Theo Lê Thanh
Pháp Luật TPHCM