Người bán thịt heo, rau... cho Món Huế bị "truy lùng" nợ

Dù đến hạn thanh toán công nợ nhưng hầu hết các nhà cung cấp vẫn không nhận được số tiên nào từ Công ty Huy Việt Nam - công ty "mẹ" của chuỗi nhà hàng Món Huế.

Liên quan đến việc chuỗi nhà hàng Món Huế chậm trả nợ và cắt liên lạc, mới đây phản ánh với PLO, các nhà cung cấp thực phẩm cho biết họ không nhận được tiền thanh toán như đúng biên bản ghi nợ mà Món Huế đã ký và hứa vào ngày 2/10.

Người bán thịt heo, rau... cho Món Huế bị truy lùng nợ - 1

“Nợ giây chuyền chỉ vì Món Huế”

Một đơn vị chuyên cung cấp xương bò và gân bò cho chuỗi nhà hàng Món Huế bày tỏ sự lo lắng khi đã quá hạn thanh toán nhưng vẫn không nhận được số tiền nào từ cam kết ký ngày 2-10 vừa qua. Vị này cho biết tổng số tiền mà Món Huế nợ tính tới tháng 9 lên đến hơn 1,3 tỉ đồng.

“Số tiền đó không phải là có sẵn, tôi cũng phải xoay vòng vốn từ các đối tác khác. Trong khi tôi chờ hơn 1,3 tỉ đồng tiền trả nợ từ Món Huế để thanh toán cho đối tác của mình, thì có đối tác đã cho những người đòi nợ thuê đến gây sức ép, "truy lùng" trả tiền với gia đình tôi”.

Người này cũng cho hay theo thỏa thuận mỗi tháng Món Huế sẽ thanh toán 200 triệu đồng/tháng vào ngày 25-28 hằng tháng nhưng khi nhận lại bảng xác nhận công nợ thì chỉ ghi 100 triệu đồng/tháng. “Lúc đó tôi cũng đồng ý vì không muốn làm khó họ. Nhưng bây giờ đến hạn thanh toán tôi thậm chí không nhận được 1.000 đồng nào từ họ cả” - vị này chia sẻ.

Là đối tác giao hàng cho Món Huế năm năm, người này cho biết việc chi trả chậm nợ như là thói quen khi làm việc với Món Huế. Trong những năm trước đây dù chậm nhưng Món Huế thanh toán đủ. “Từ năm 2018 tôi đã nhận thấy các khoản công nợ bị chây ỳ lâu hơn trước, tôi cũng sợ và giao hàng ít đi cho họ. Dù chậm trả công nợ, tôi vẫn tin họ làm ăn uy tín nhưng bây giờ niềm tin của tôi bị lung lay”.

Chị T., giám đốc của một công ty chuyên cung cấp thịt cho nhà hàng Món Huế cũng buồn bã, nói: “Tôi bị nợ dây chuyền chỉ vì Món Huế. Món Huế nợ chúng tôi, không ai lấy lãi đồng nào nhưng bạn hàng, đối tác của chúng tôi lại tính lãi suất ngân hàng 8%/năm khi chúng tôi chậm trả nợ. Nhưng tôi lấy đâu ra tiền trả khi món nợ lớn từ Món Huế không đòi được? Phải chăng chúng tôi quá tốt với Món Huế?”.

Người bán thịt heo, rau... cho Món Huế bị truy lùng nợ - 2

Chị T. cho biết bị nợ dây chuyền chỉ vì Món Huế. Ảnh: NVCC

Chị T. cho biết theo cam kết do bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, đại diện pháp lý cho chuỗi nhà hàng Món Huế, ký ngày 2-10, mỗi tháng sẽ thanh toán 100 triệu đồng/gần 400 triệu đồng tiền nợ. Nhưng tới ngày 28-10, chị chỉ nhận được 50 triệu đồng tiền trả nợ từ Món Huế, tức chỉ nhận được 50% theo cam kết.

“Dù vậy tôi là một trong 3-4 nhà cung cấp may mắn nhận được tiền từ Món Huế, mặc dù không đúng như cam kết. Nhưng tôi rất lo lắng bởi liệu tháng sau tôi có nhận được đồng nào từ đơn vị này hay không, hay số tiền 50 triệu đồng kia chỉ nhằm xoa dịu sự bức xúc của nhà cung cấp như tôi?” - chị T. đặt câu hỏi.

Không chỉ là nhà cung cấp, L., quản lý của một nhà hàng thuộc Công ty Huy Viêt Nam, cũng không thoát khỏi cảnh bị chậm trả lương. “Từ tháng 9 tôi và nhân viên chỉ nhận được 30% tiền lương và tháng 10 thì không có thông báo gì”. Một nhân viên giấu tên của TP Tea (thuộc Công ty Huy Việt Nam) kể, vì bị nợ lương nên đã bị chủ trọ lấy lại phòng vì không có tiền thanh toán.

“Xin đừng trốn tránh nhà cung cấp”

Chị T. cho biết những nhà cung cấp hàng như chị mong muốn sự minh bạch từ ban lãnh đạo Công ty Huy Việt Nam. “Chúng tôi chấp nhận cho Món Huế nợ nhưng phải có người đứng ra chịu trách nhiệm với nhà cung cấp về các món nợ, chứ không phải là sự trốn tránh vô trách nhiệm này”.

Theo chị T. và nhiều nhà cung cấp khác, họ không muốn kiện tụng, chỉ mong Món Huế và các chuỗi cửa hàng còn lại phải có người đứng ra chịu trách nhiệm và lắng nghe nhà cung cấp.

“Chúng tôi luôn tạo cơ hội cho họ chậm trả nợ nhưng Huy Việt Nam đang không minh bạch, họ âm thầm đóng cửa văn phòng, âm thầm rút lui. Đáng ra phải cho chúng tôi biết, văn phòng họ dời về đâu để chúng tôi còn tin họ không biến mất hay có dấu hiệu quỵt tiền” - nhà cung cấp xương bò bày tỏ.

Cũng theo người này, ngày 2/10, bà Mỹ Hạnh có thông báo việc sẽ đóng cửa một vài chi nhánh hoạt động không hiệu quả nhưng tới ngày 22/10 họ lại cho đóng tất cả chuỗi thương hiệu của mình. “Hành động này khiến niềm tin của chúng tôi trở nên vô vọng” - chị T. cho biết.

Theo luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM: Trong vụ việc nêu trên, có thể giải quyết bằng hai phương án:

Thứ nhất là khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự về tranh chấp hợp đồng. Hoặc nếu nợ quá hạn ba tháng trở lên mà công ty không có khả năng thanh toán thì các nhà cung cấp (chủ nợ) có thể nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản và phân chia tài sản còn lại của công ty để thanh toán nợ theo quy định của Luật Phá sản.

Luật sư cũng nhận định chưa có dấu hiệu về mặt hình sự nên đây là vụ án tranh chấp dân sự đơn thuần. Do đó, các nhà cung cấp để bảo vệ quyền lợi của mình thì tùy từng trường hợp có thể thực hiện một trong hai phương án trên.

Theo Thu Hà

Pháp luật TP.HCM