Người bán lan Tết "nóng ruột" vì chi phí cao, hàng vẫn tồn nhiều

Huỳnh Anh Mỹ Tâm

(Dân trí) - Dù chi phí tăng, nhiều nhà vườn và cửa hàng bán lan hồ điệp không dám đẩy giá lên cao vì lo khó bán. Các tiểu thương cũng rất nỗ lực đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu chơi Tết của khách hàng.

Không dám để giá cao dù chi phí tăng

Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, hàng loạt gian hàng hoa lan, đào, quất được bày tràn khắp các vỉa hè, tuyến phố Hà Nội chờ người mua. Thị trường hoa lan cũng trở nên nhộn nhịp hơn vào những ngày này vì đây là loài hoa sang trọng, được nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn cho Tết.

Dọc các tuyến phố tại Hà Nội như Phạm Hùng, Hoàng Quốc Việt, Tây Hồ, Hoàng Hoa Thám… nhiều loại lan hồ điệp đã được bày bán để đáp ứng nhu cầu mua sắm và trang trí nhà cửa của người dân. Các mẫu hoa được trồng ở miền Bắc thường có giá rẻ hơn so với các loại hoa được trồng từ Đà Lạt và nhập khẩu.

Chị Kim Anh, chủ một tiệm hoa, cho biết hoa lan được trồng ở miền Bắc có giá "mềm" hơn, với 150.000-250.000 đồng/cành, tùy loại. Trong khi đó, hoa Đà Lạt có giá 300.000-500.000 đồng/cành. Theo chị, năm nay, giá lan không thay đổi nhiều so với trước dù chi phí gồm vận chuyển, công cắm, trang trí lan… có tăng. Một số nhà vườn không đủ chi phí hỗ trợ cho khách nên phải tính vào giá hoặc công cắm riêng.

Người bán lan Tết nóng ruột vì chi phí cao, hàng vẫn tồn nhiều - 1

Giá lan không thay đổi nhiều so với trước dù chi phí có tăng (Ảnh: Mỹ Tâm).

Cụ thể, trung bình tiền công của thợ cắm cho mỗi cành lan là 15.000-20.000 đồng. Mỗi thợ cắm bình lan 7-15 cành, đã có thể thu về 300.000-400.000 đồng. Những ngày cao điểm giáp Tết, mỗi thợ cắm lan nhà chị có thể thu về vài triệu đồng chỉ riêng tiền cắm.

Chị cũng thông tin, hoa Tết đã được bày bán 2 tuần nay song phải đến tuần này mới bắt đầu có nhiều khách hỏi mua. Trước đó, khách chủ yếu tham khảo giá. Các chậu hoa thành phẩm có giá từ 2 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. 

Chị Hoàng Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng, năm nay gia đình chị chỉ định mua một chậu lan nhỏ để chơi Tết. "Năm ngoái, tôi đã mua một chậu lan hồ điệp với giá hơn 8 triệu đồng, nhưng năm nay tôi chỉ chọn một chậu nhỏ với giá hơn 2 triệu đồng để bày trong nhà. Gia đình tôi phải chủ động cắt giảm chi tiêu, hạn chế những khoản không thực sự cần thiết", chị bộc bạch.

Các loại hoa lan nghệ thuật trên gỗ lũa dễ bán hơn

Tại một cửa hàng hoa ở khu vực Nam Từ Liêm (Hà Nội), các chậu lan hồ điệp cao 1-3m cũng đang được bày bán với mức giá 10-50 triệu đồng. Anh Duy Phong, chủ cửa hàng, cho biết tình hình kinh doanh năm nay chậm hơn so với các năm trước, khiến anh khá lo lắng về sức mua trong dịp sát Tết.

Nhu cầu của khách chơi năm nay cũng chuyển dần từ bình lan, cắm hình cầu, đối xứng, sang chơi hoa lan nghệ thuật trên gỗ lũa, chậu sứ cao cấp…

"Các chậu lan hồ điệp công chúa và nữ hoàng được thiết kế trên gỗ lũa có xu hướng dễ bán hơn. Khách hàng thường ưu tiên chọn gỗ lũa trước, sau đó mới kết hợp hoa sao cho phù hợp với hình dáng của gỗ", anh Phong chia sẻ.

Anh cũng chia sẻ rằng mỗi chậu lan hồ điệp thiết kế trên gỗ lũa đều được chế tác rất công phu và thường mất 3-4 giờ để hoàn thiện. Quá trình này bao gồm chọn gỗ, hoa và thêm các chi tiết như rêu, bonsai hoặc tiểu cảnh nhỏ. 

Với những khách hàng yêu cầu các chậu lan độc đáo, một số cửa hàng còn nhận thiết kế các chậu lan hồ điệp nữ hoàng hoặc công chúa "ôm" gỗ lũa với kích thước lớn, có chiều cao 2-3m. Những tác phẩm này thường có giá trị rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng.

"Tuy nhiên, việc tìm kiếm gỗ lũa kích thước lớn, có hình dáng đẹp đòi hỏi rất nhiều công sức. Do đó, khách hàng cần đặt trước để đảm bảo có sản phẩm ưng ý", anh Phong nói.

Người bán lan Tết nóng ruột vì chi phí cao, hàng vẫn tồn nhiều - 2

Khách hàng thường ưu tiên chọn gỗ lũa trước, sau đó mới kết hợp hoa (Ảnh: Huỳnh Anh).

Anh Quảng, chủ một cửa hàng hoa lan trên đường Trần Quý Kiên (Hà Nội), cho biết năm Ất Tỵ thuộc mệnh hỏa. Các màu sắc tương sinh và tương hợp với mệnh hỏa là đỏ, cam, hồng, tím và xanh lục. "Hầu hết khách hàng năm nay có xu hướng chọn hoa có màu hồng và tím", anh nói.

"Các chậu 5-30 triệu đồng thường được khách hàng công ty mua tặng đối tác. Còn những chậu lan có giá 2-15 triệu đồng sẽ bán cho người tiêu dùng", anh nói.

Để kịp thời phục vụ cho khách hàng dịp Tết, các cửa hàng bán lan cũng phải thuê thêm công nhân và thợ cắm hoa, làm các công việc chăm sóc, chốt đơn hàng và đóng gói hoa tất bật từ sớm đến tối.

"Công việc thường kéo dài đến khoảng 29 Tết. Thành viên nhóm thợ cắm hoa có thể đạt 3-4 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên công việc không dễ dàng. Các thợ phải làm việc từ đêm khuya đến rạng sáng. Đây là thời điểm có thể tập trung cao độ, ít bị phân tâm bởi tiếng ồn", anh Quang chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc bán trực tiếp, các tiểu thương cũng chú trọng đến việc quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook hay TikTok. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng trực tiếp vẫn là trọng tâm.