Ngược dòng lãi suất huy động USD

(Dân trí) - Trong bối cảnh hệ thống NHTM “cân đo, đong đếm” để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND nhằm hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh, trên thị trường lại dấy lên một làn sóng tăng lãi suất huy động USD.

Ngược dòng lãi suất huy động USD - 1
Giao dịch USD đang sôi động trở lại.
 
Bù đắp lượng USD đã giải ngân
 
Ngày 23/6, SHB công bố điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang theo số tiền ở các kỳ hạn tăng từ 0,1 - 0,2%. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể được hưởng với sản phẩm tiết kiệm bậc thang USD lên tới 5%/năm.
 
Một ngày sau SHB, LienVietBank chính thức phát hành kỳ phiếu ghi danh ngắn hạn bằng USD, trả lãi cuối kỳ. Mệnh giá tối thiểu của kỳ phiếu là 500 USD, với lãi suất cao nhất lên đến 5,15%/năm, kỳ hạn 364 ngày.
 
Tuy nhiên, ABBank vẫn đang là ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động USD cao nhất trên thị trường hiện nay. Theo bảng lãi suất mà ngân hàng này công bố trên website, lãi suất huy động USD đối với kỳ hạn 48 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) ở mức 5,5%/năm. Bên cạnh đó, 13 kỳ hạn huy động khác từ 6 tháng đến 60 tháng được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất từ 5 - 5,45%/năm.
 
Lãi suất huy động USD đang trong xu hướng tăng, nhưng theo thừa nhận của một ngân hàng, huy động vốn USD từ dân cư thời điểm này không dễ. Bởi giá USD tự do đang có “sóng”, một bộ phận đầu cơ tranh thủ mua đi bán lại trên thị trường, thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
 
Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) nhận định: Việc tăng lãi suất huy động USD của một số ngân hàng là do thời gian qua họ đã có sự tăng trưởng mạnh về tín dụng ngoại tệ. Việc tăng lãi suất huy động chỉ nhằm bù đắp lại lượng USD đã giải ngân.
 
Thị trường ngoại tệ đang dư cung
 
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Chỉ tính riêng ngoại tệ dư thừa trong hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ được các NHTM thực hiện giao dịch hoán đổi với NHNN là khoảng 600 triệu USD. Điều này cho thấy, thị trường ngoại tệ đang dư cung và việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động USD chưa phản ánh được xu hướng chung.
 
Theo thống kê, ngoài ABBank và LienVietBank có áp dụng lãi suất huy động USD vượt ngưỡng 5%/năm, hiện chỉ có 5 NHTM cổ phần khác áp dụng biểu lãi suất niêm yết cao nhất đến 5%/năm. Phần đông các NHTM còn lại, bao gồm cả nhóm nhà nước và cổ phần đều đang khống chế lãi suất huy động USD thấp hơn mức 4,9%/năm.
 
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động USD ở một vài ngân hàng thương mại cổ phần trong thời điểm giá USD tăng cao như hiện nay đang dấy lên sự lo ngại về sự khan hiếm USD trong tương lai gần.
 
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước tính trong tháng 6 đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã tăng tới 27,5% so với tháng 12/2009. Trong khi đó, huy động vốn USD chỉ tăng 3,09%. Nếu chênh lệch quá lớn này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và khả năng cân đối vốn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
 
An Hạ - Nguyễn Minh