Ngừng bán xăng tràn lan trước giờ tăng giá: Khó xử lý?

(Dân trí) - Cứ mỗi đợt xăng chuẩn bị tăng giá là nhiều xăng dầu tìm mọi cách để ngừng bán, chờ giá tăng.

Đến hẹn lại “găm hàng”

Sáng 13/8, anh Điệp (ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) cho biết: “Sáng sớm tôi chạy từ nhà lên TPHCM làm việc, thấy kim báo xăng gần hết nên tìm ven đường có cây xăng nào không để vào đổ. Tôi thấy 3, 4 cây xăng mà chẳng cây xăng nào bán. May mà xăng trong xe còn đủ chạy lên gần tới cầu Sài Gòn thì tôi tìm được xây xăng còn mở bán”.

Ngừng bán xăng tràn lan trước giờ tăng giá: Khó xử lý?
Nhiều khách hàng đành quay ra khi nhân viên cây xăng Minh Trung (QL13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) thông báo hết xăng

Tình cảnh đó không phải chỉ mình anh Điệp gặp phải. Câu chuyện mà dân Sài thành xôn xao nhất trong sáng 13/8 là chuyện các cây xăng “găm hàng”. Chị Ngọc làm việc tại 1 tòa nhà văn phòng trên đường Phan Xích Long (Bình Thạnh) cho biết: “Sáng mình ghé cây xăng trên đường Quang Trung đổ 70.000 đồng tiền xăng cho đầy bình, đỡ mất công đổ nhiều lần nhưng nhân viên cây xăng đó nhất quyết chỉ bán 50.000 đồng”.

Và chị Ngọc dự đoán: “Cứ mỗi lúc mà báo chí rầm rộ thông tin cây xăng nọ đóng cửa “găm hàng”, cây xăng kia treo biển hết xăng là tôi chắc mẩm xăng tăng giá đến nơi rồi”. Dự đoán của chị Ngọc đúng thật, từ 17h – 17h30 chiều 13/8, hai doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của cả nước đã quyết định tăng giá xăng thêm 1.100 đồng/lít, dầu tăng 500 – 800 đồng/lít.

Cứ chuẩn bị tăng giá xăng là các cây xăng “rủ nhau” treo biển “nghỉ bán”
Cứ chuẩn bị tăng giá xăng là các cây xăng “rủ nhau” treo biển “nghỉ bán”

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai, trong 3 ngày từ 11/8 – 13/8, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và kiểm tra 17 cây xăng tạm ngưng họat động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng QLTT chỉ xác định được 1 trường hợp cố ý găm hàng; các trường hợp còn lại tạm ngưng hoạt động với lý do hết hàng, nhập hàng, sơn lại trụ bơm, nhân viên bán xăng nghỉ đột xuất, cúp điện…

Cũng trong ngày 13/8, chi cục QLTT TPHCM ra quân kiểm tra hàng loạt cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP. Các đội QLTT đã phát hiện nhiều cây xăng tạm ngưng hoạt động như cây xăng Cát Tường (quận 12), cây xăng Ngọc Đến (Bình Thạnh)… nhưng các cây xăng này đều có “lý do chính đáng” là hết hàng, lực lượng QLTT kiểm tra bồn xăng cũng xác nhận là xăng trong bồn đã hết.

Khó xác định lỗi để xử phạt

Theo ông Dương Minh Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi găm hàng là 10 – 60 triệu đồng. Hình thực phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh của đơn vị vi phạm trong 12 tháng hoặc tước giấy phép kinh doanh vô thời hạn với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Bộ Công thương cũng từng chỉ đạo các chi cục QLTT kiên quyết xử lý các hành vi “đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán, kể cả tiến hành tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Một cây xăng của Tổng công ty Xăng dầu Việt
Một cây xăng của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam trên quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân treo biển nghỉ bán sáng 13/8

Tuy nhiên, rất khó xác định hành vi “găm hàng” của doanh nghiệp vì các chủ doanh nghiệp có đủ “chiêu” để đối phó như: lột vỏ trụ bơm xăng ra rồi bảo đang sửa chữa, hết hàng nhưng không chịu nhập hàng tiếp, bán nhỏ giọt bằng cách giảm bớt nhân viên bán hàng và thời gian bán hàng… Nếu doanh nghiệp có lý do hợp lý để tạm ngưng hoạt động thì rất khó xử phạt theo hành vi “găm hàng”.

Theo một cán bộ QLTT thì hầu hết các cây xăng đều chỉ đăng ký hoạt động đến 19 – 20h. Ngày thường thì họ bán quá giờ đăng ký đến khuya, nhưng những ngày này họ bán đến 19h nghỉ thì cũng không xử phạt được vì họ nghỉ đúng giờ đăng ký. Còn việc doanh nghiệp khai hết hàng thì phải xác định lại lỗi do ai, doanh nghiệp bán lẻ hay tổng đại lý…

Do vậy, theo ông này thì việc tìm ra lỗi đã xử phạt rất gian nan, mà có xử phạt được thì mức phạt cũng chẳng đáng bao nhiêu so với lợi nhuận mà các doanh nghiệp này thu được khi họ vi phạm quy định. Bởi thế, cứ mỗi khi xăng chuẩn bị tăng giá thì điệp khúc “hết xăng”, “găm hàng” lại tái diễn ở khắp các tỉnh thành dù lực lượng QLTT tung hết lực lượng đi thanh kiểm tra.
 
Cây xăng... "Không bán xăng"
 
Trước thông tin xăng dự kiến tăng giá 1.400 đồng/lít nhiều cây xăng ở nhiều nơi trên cả nước đóng cửa, tạm dừng hoạt động, vì vậy, xảy ra hiện tượng xăng dầu khan hiếm, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Ngừng bán xăng tràn lan trước giờ tăng giá: Khó xử lý?
Cây xăng dầu Doanh nghiệp tư nhân Thắm Tài đóng ở địa phận xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch dán biển "Không bán xăng" (Ảnh chụp vào cuối giờ chiều ngày 13/8)

Tại Quảng Bình, theo ghi nhận của PV Dân trí vào cuối giờ chiều ngày 13/8, một số cây xăng đóng trên địa bàn tỉnh này đóng cửa, ngưng hoạt động và nhiều cây xăng mở cửa nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Nhiều cây xăng hoạt động nhưng cũng chỉ bán cầm chừng
Nhiều cây xăng hoạt động nhưng cũng chỉ bán cầm chừng

Đ.Tài - Đ.Đức

Tùng Nguyên - Thảo Trần