1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít

(Dân trí) - Kể từ 17h ngày 13/8, giá xăng bán lẻ trong nước chính thức tăng 1.100 đồng/lít, từ mức 21.900 đồng lên 23.000 đồng/lít; các loại dầu tăng từ 500 đồng – 800 đồng/lít/kg.

Xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít từ 17h hôm nay
 

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tập đoàn này chính thức điều chỉnh tăng giá xăng dầu kể từ 17h ngày 13/8. Trong đó, giá xăng có mức tăng mạnh nhất, tới 1.100 đồng/lít.

 

Cụ thể, giá xăng A92 từ mức 21.900 đồng/lít sẽ tăng lên 23.000 đồng/lít; dầu diezel tăng 750 đồng/lít, dầu hỏa tăng 800 đồng/lít và dầu mazut tăng 500 đồng/kg.
 

Đây cũng chính là mức điều chỉnh giá các mặt hàng của Saigon Petro, nhưng doanh nghiệp này cho biết thời gian điều chỉnh muộn hơn Petrolimex 30 phút, tức từ 17h30.

 

Hiện tại, các doanh nghiệp xăng dầu khác chưa có công bố về mức điều chỉnh cụ thể.

 

Theo Bộ Tài chính, việc doanh nghiệp xăng dầu điều chỉnh giá này là phù hợp với quy định. Bộ cũng cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng A92 tính cho lượng xăng A92 thực tế bán ra là 300 đồng/lít.

 

Trước đó, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã gửi công văn lên Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, trong đó mặt hàng xăng xin tăng tới 1.400 đồng/lít, dầu tăng từ 600 đồng - 800 đồng/lít.

 

Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng.

Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng tổng cộng 5.400 đồng và 5 lần giảm với mức 3.200 đồng.

Giá xăng trong nước tăng trong bối cảnh giá xăng A92 giao ngay FOB tại Singapore vẫn tiếp tục tăng không ngừng nghỉ. Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ riêng trong phiên 9/8, giá mỗi thùng xăng đã đạt mức 126,8 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 3/5.

 

Tính chung tuần qua, giá xăng A92 thế giới đã tăng 6,2 USD/thùng, tương đương 5,1%. Còn so với thời điểm 1/8 khi giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 900 đồng, thì đến nay giá xăng A92 nhập khẩu đã tăng 8,5%.

 

Ngoài việc giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, doanh nghiệp xăng dầu còn cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố ở phân xưởng công nghệ Cracking xúc tác (RFCC) khiến họ phải phải tìm kiếm ngay nguồn nhập khẩu thay thế.

 

Tuy nhiên, theo khẳng định từ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc tạm ngưng hoạt động của nhà máy trong vòng 1 tuần không ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường, vì hiện nay nhà máy chỉ mới sản xuất khoảng 100.000 tấn sản phẩm các loại (xăng dầu, khí hóa lỏng, xăng máy bay…).

Việc giá xăng dầu tăng vào chiều 13/8 khá bất ngờ đối với người dân, bởi cuối tuần trước, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp phải tính giá cơ sở theo chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới; việc tính giá cơ sở theo các chu kỳ khác chỉ mang tính chất tham khảo. Công văn Bộ Tài chính còn nhấn mạnh, “khi kiến nghị điều hành, doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở mức giá tính bình quân 30 ngày”.

Theo văn bản “nhắc nhở” của Bộ Tài chính, có thể hiểu rằng: Doanh nghiệp phải tính giá cơ sở đúng công thức của Nghị định 84, nghĩa là tính giá theo chu kỳ 30 ngày, các con số tính toán theo giá nhập khẩu 10 ngày và 20 ngày chỉ có tính chất tham khảo. Nhưng trên thực tế, kể từ lần tăng trước (ngày 1/8) đến lần tăng này (ngày 13/8) chỉ cách nhau có 13 ngày.  

Về phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết, nếu tính giá cơ sở theo 30 ngày, họ sẽ có mức lỗ ít nhất so với tính giá theo 10 và 20 ngày. Cụ thể, nếu tính theo giá nhập khẩu 30 ngày, doanh nghiệp này đang bán thấp hơn giá cơ sở khoảng 1.000 đồng/lít xăng A92, 800 đồng/lít dầu hỏa, 700 đồng/lít dầu diezel và 600 đồng/kg ma zút. Nhưng tính theo giá nhập khẩu 10 ngày, doanh nghiệp đang lỗ nặng vì mỗi lít xăng A92 đang bán thấp hơn giá cơ sở từ 1.700 đồng - 1.800 đồng, dầu diezel thấp hơn 1.000 đồng - 1.100 đồng.

Như vậy, nếu tính theo giá cơ sở 30 ngày, doanh nghiệp xăng dầu sẽ có mức lỗ ít nhất so với tính giá theo chu kỳ 10 ngày và 20 ngày. Nhưng doanh nghiệp xăng dầu đã không làm như vậy mà tính theo chu kỳ ngắn hơn để được tăng giá nhiều hơn.

Ví dụ trong đợt tăng giá ngày 20/7, tính theo chu kỳ 30 ngày thì mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán lẻ là 500 - 600 đồng/lít xăng A92 nhưng tính theo giá 10 ngày lại chênh đến gần 900 đồng/lít. Tương tự, trong đợt tăng giá ngày 1/8, mức chênh tính theo giá 30 ngày là hơn 900 đồng/lít nhưng tính theo 10 ngày lên đến gần 1.500 đồng/lít…

 

An Hạ