Ngôi làng ở Hà Nội một thời nổi tiếng, dân "giàu to" nhờ cây kim sợi chỉ

Làng Nguyên Bì (Quất Động, Hà Nội) từng là làng nghề thêu ren truyền thống nổi tiếng với kỹ thuật cao nhưng nay đang dần mai một.

Lão nông sang Singapore buôn bán

Làng Nguyên Bì (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. Xưa kia, đây là một trong 5 ngôi làng được Lê Công Hành - vị quan thời Hậu Lê truyền cho nghề thêu.

Đầu thế kỷ 20, làng xuất hiện nhiều thương gia chuyên mua bán và xuất khẩu vải lụa, vải thêu sang nước ngoài. Giai đoạn này, kinh tế của làng khá phát triển.

Ngôi làng ở Hà Nội một thời nổi tiếng, dân giàu to nhờ cây kim sợi chỉ - 1

Cổng làng Nguyên Bì (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội).

Ông Lê Đại Nghiệp - một người dân làng Nguyên Bì chia sẻ: "Nhà tôi nhiều đời làm nghề thêu, khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, ông nội tôi còn buôn tranh thêu ren, vải lụa thêu khắp Đông Nam Á".

Làng Nguyên Bì khi đó chia làm 2 mảng. Một là người buôn bán hàng thêu, hai là người đi làm thợ thêu cho chủ buôn. Người buôn bán sẽ có cuộc sống khá giả hơn, có tiền xây nhà cửa, mua đất…

Những năm 1920 - 1930 nhiều chủ buôn giàu có phất lên, họ ra phố cổ mua nhà ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Khay.

Ông nội ông Nghiệp hay sang Singapore buôn hàng. Cụ làm ăn khấm khá, xây dựng được cơ ngơi bên đó. Vợ ở nhà làm ruộng. 

Hàng tháng, cụ gửi tiền và vàng về cho vợ nuôi con, tích cóp mua đất đai. Gia đình cụ thuộc diện giàu có ở làng.

"Bà nội tôi kể, mỗi lần gửi đồ về Việt Nam, ông gửi cả kiện to, bao gồm đồ dùng và tiền vàng.

Năm 1936, do biến động lịch sử nên ông tôi về hẳn Việt Nam và chỉ buôn bán trong nước", ông Nghiệp chia sẻ.

Thời kỳ này, làng mọc lên những ngôi nhà khang trang bằng gỗ lim hoặc xây kiên cố.  

Mặc dù kinh doanh nhưng ông nội của ông Nghiệp vẫn duy trì nghề thêu và truyền lại cho con cháu.

Sau này, bố ông Nghiệp làm trưởng phòng thêu của Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Hà Nội có địa chỉ ở Hàng Khay (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Năm 1976 - 1980, bố ông được biệt phái vào TP.HCM, thực hiện công tác phát triển nghề thêu của Nhà nước.

"Năm mới giải phóng, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, mặt hàng xuất khẩu chủ đạo lúc bây giờ là hàng thêu ren nên bố tôi và một số người được phân công vào các tỉnh dạy nghề, mở rộng xưởng sản xuất", ông Nghiệp chia sẻ.

Ngôi làng ở Hà Nội một thời nổi tiếng, dân giàu to nhờ cây kim sợi chỉ - 2

Ông Lê Đại Nghiệp.

Năm 1980, các mặt hàng thêu ren như ga, rèm cửa, áo kimono (dạng áo ngủ) được xuất đi Liên bang Nga (năm đó là Liên Xô) nhiều. Bố ông Nghiệp móc nối làm ăn với các chủ tiệm vải có người nhà bên Liên bang Nga.

Họ mua cuộn vải lớn rồi đưa cho gia đình ông Nghiệp. Bố ông Nghiệp mang về cắt mảnh vải theo kích thước tiêu chuẩn rồi thêu.

"Tôi được bố giao nhiệm vụ vẽ mẫu thêu. Cụ đưa ra yêu cầu, làm sao các mẫu thêu phải đẹp nhưng không quá khó để thợ nhỏ tuổi cũng có thể làm được. Hơn nữa, công thêu ít, mình mới có lãi", ông nhớ lại.

Vải thêu xong, được chuyển cho bên cắt may và cuối cùng là giao lại cho đầu mối, xuất đi nước ngoài.

"Hàng hóa xuất liên tục, cả nhà tôi làm không hết việc. Tôi mang đi khắp làng, thuê người làm.

Vợ ông Nghiệp (64 tuổi) là người làng Nguyên Bì. Năm 19 tuổi bà cũng tham gia dạy thêu ở các tỉnh. Năm 20 tuổi, bà kết hôn với ông Nghiệp.

Ngôi làng ở Hà Nội một thời nổi tiếng, dân giàu to nhờ cây kim sợi chỉ - 3

Mặc dù không làm nhiều năm nhưng mỗi lần ngồi bên khung thêu, thao tác của ông vẫn linh hoạt. 

Hiện nay, con cái ông bà đã thành đạt, sang nước ngoài sinh sống. Do sức khỏe nên hai vợ chồng ông không còn làm nghề.

Tuy nhiên, ông Nghiệp khẳng định, mình vẫn luôn yêu công việc này. Gia đình ông có kinh tế, cơ ngơi cũng một phần nhờ những năm làm hàng xuất khẩu. Thời kỳ đổi mới, nghề thêu chững lại, vợ chồng ông chuyển sang lĩnh vực khác.

Nỗi buồn sau lũy tre làng

Làng thêu Nguyên Bì từng có thời điểm vàng son, phát triển mạnh mẽ nhưng đáng tiếc nghề truyền thống đang dần thoái trào.

Nghệ nhân Thái Đức Duy chia sẻ, hiện cả làng chỉ còn 3 hộ làm nghề thêu tay. Lý do khiến người dân bỏ nghề là vì thu nhập thấp. Mỗi bức tranh thêu mất vài ngày, vài tuần, có khi đến cả tháng chỉ bán được từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng.

Thu nhập thấp, lại thêm trào lưu tranh chữ thập (tranh thêu Trung Quốc) nên chẳng mấy ai muốn làm nghề.

Thanh niên, người trong độ tuổi lao động ra thành phố tìm việc hoặc vào các công ty sản xuất làm. Cuối cùng, khi lớp nghệ nhân lớn tuổi qua đời, người làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Gia đình ông Duy có nhiều đời làm nghề này, ngay từ lúc mới học lớp vỡ lòng, ông đã biết thêu những mũi đầu tiên. Lớp 7, ông thêu tranh xuất khẩu.

Ngôi làng ở Hà Nội một thời nổi tiếng, dân giàu to nhờ cây kim sợi chỉ - 4

Các bức tranh thêu do nghệ nhân Duy thực hiện. 

Suốt quá trình trưởng thành, người đàn ông này một lòng đau đáu với nghề tổ. Các sản phẩm của ông mang nét riêng, thể hiện cá tính cũng như sự điêu luyện của nghề.

Ông Duy từng đưa tranh thêu của mình tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ và giành được giải thưởng. Ngoài thêu tranh, ông tham gia dạy tại các trường nghề.

Nghệ nhân Duy chia sẻ, trước khi thợ bắt tay vào thêu, cần phải nghiên cứu về màu sắc trong bức ảnh mẫu, tính toán đường kim mũi chỉ… Sau đó, họ tiến hành chuyển mẫu tranh thêu tay lên vải thêu (vẽ lại trên vải).

Công đoạn này đòi hỏi thợ thêu phải có sự khéo léo, tài năng hội họa, kỹ năng chuyên môn tốt cũng như kinh nghiệm lâu năm.

Một bức tranh thêu tay đẹp đòi hỏi dùng tới rất nhiều loại chỉ thêu với màu sắc, kích cỡ, chất liệu khác nhau. Từ chỉ màu đậm đến màu nhạt, sợi chỉ lớn đến sợi chỉ nhỏ, từ chỉ thô đến chỉ bóng.

Để gìn giữ nghề thêu tay, vào mỗi dịp hè, nghệ nhân Thái Đức Duy vẫn hướng dẫn cho mọi người có nhu cầu học thêu. Tuy nhiên, phần lớn là người tò mò, học cho biết. Người tâm huyết và muốn phát triển nghề lại không có.

Giờ đây, sức khỏe có hạn, ông vẫn luôn canh cánh một nỗi buồn. Phía sau cánh cổng làng in dấu ký ức về nghề thêu nổi tiếng nhưng nay đang dần mất đi…