Nghịch lý giá xăng: Tính giá không minh bạch
Chừng nào lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn cao, có nghĩa là các cơ quan quản lý về giá chưa làm đúng chức năng.
Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 3 trở lại đây, giá xăng dầu trong nước tăng lên rất mạnh với 4 lần tăng (riêng quý II/2015 tăng 3 lần) trong khi đó giá xăng dầu nhập khẩu trong quý II giảm tới 37,84%. Ông nghĩ gì về con số này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Từ ngày 1/5/2015 thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng, do đó giá xăng sẽ tăng tương ứng là 2.000 đồng/lít.
Giá xăng vào ngày 21/1/2015 là 15.670 đồng/lít tăng lên 20.711 đồng/lít vào ngày 19/6/2015 tức là tăng 5.041 đồng, tăng 32,17%, trong khi giá nhập khầu dầu thô Brent đã tăng từ 46,9 USD/thùng lên đến 63,77 USD/thùng vào ngày 19/6/2015, tăng 36% và giảm xuống còn 59,96 USD/thùng. Tức là giá xăng tăng trong nước chưa tăng bằng giá thế giới.
Đây là điều cực kỳ hợp lý vì giá nhập khẩu (đầu vào) tăng thì giá bán phải tăng, nếu thị trường là cạnh tranh.
Tuy nhiên việc không minh bạch giá là điều cần phải bàn. Điều này có thể giải thích bằng thế độc quyền và tính không minh bạch trong việc tính giá của Petrolimex và Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính.
Quý II/2015, giá xăng tăng 3 lần |
Tổng cục Tống kê lý giải, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh là do giá cơ sở tăng lên. Còn theo Nghị định 83 của Chính phủ, giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng: (Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ) x tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + các loại thuế phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành; được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Xét từng yếu tố thì thấy: thuế và giá xăng dầu nhập khẩu giảm mạnh; chi phí kinh doanh định mức giảm do giá xăng dầu giảm; việc tăng thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính khẳng định không ảnh hưởng đến giá xăng. Vậy giá cơ sở tăng là do đâu? Xin ông phân tích cụ thể.
Chúng tôi có thể tính sơ qua thế này: Giá nhập khẩu là 63,77 USD/thùng, tính giá 1 lít xăng giá nhập khẩu là khoảng 8.700 đồng, thuế nhập khẩu là 20% và bằng 1.740 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1.040 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.150 đồng, chi phí định mức kinh doanh 1.050 đồng, mức trích lập quỹ bình ổn giá 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng.
Và tổng cộng giá trước khi tính lợi nhuận định mức và các loại thuế phí khác là 16.980 đồng. Giả định các loại thế khác vào khoảng 2.000 đồng thì lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là 20.711 – 18.980 = 1.731 đồng/lít và với chi phí bỏ ra là khoảng 10.000 đồng thỉ tỷ suất lợi nhuận cho 1 vòng kinh doanh là 17,31%.
Nếu các doanh nghiệp kinh doah xăng dầu quay vòng được khoảng 3 lần thì tỷ suất lợi nhuận trên 50%. Điều này cho thấy cách định giá có vấn đề hoặc quy trình giám sát và quản lý có nhiều điều phải chỉnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2015 chưa soát xét của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, lợi nhuận sau thuế quí I đạt hơn 461 tỷ đồng, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với công ty mẹ Petrolimex, con số lợi nhuận sau thuế được ghi nhận là hơn 90 tỷ đồng.
Từ những thắc mắc về việc tăng giá xăng nói ở trên, người ta nghi ngại Petrolimex lãi là do tăng giá. Ông nghĩ sao về điều này?
Điều chắc chắn là một nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng là tăng doanh thu, tức là tăng giá bán, trong khi chi phí không tăng, thậm chí giảm.
Bản thân tôi cho rằng, kinh doanh có lãi và lãi tăng là chuyện bình thường, trong điều kiện cạnh tranh. Nếu Nhà nước có trách nhiệm điều tiết (nếu mong muốn và làm hiệu quả) để cho doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế thì trừ trường hợp gia tăng sản lượng bán ra thì khó có thể có nguyên nhân nào khác.
Chừng nào lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn cao, có nghĩa là các cơ quan quản lý về giá chưa làm đúng chức năng. Tôi cho rằng, hình như có nhóm lợi ích gì đó ở đây.