Nghịch lý gạo Việt: Hàng “xịn” xuất khẩu rẻ hơn bán trong nước

(Dân trí) - Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, gạo Việt xuất khẩu giá rẻ đang vô tình khiến những người nông dân phải "bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tế về an toàn lương thực"!


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Xuất khẩu gạo chỉ đủ tiền uống bia

Phát biểu tại Diễn đàn về nông nghiệp diễn ra tuần qua, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp - PGS.TS Vũ Trọng Khải nhìn nhận, những nông sản chủ lực, có khối lượng và giá trị cao hiện nay ở từng vùng nông nghiệp dường như là kết quả của quá trình tự phát.

PGS Khải dẫn giải ví dụ, vùng ĐBSCL (Tây Nam Bộ), vốn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất cho sự phát triển của nghề trồng lúa nước, hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất càng hàng năm. Khối lượng lúa được sản xuất và xuất khẩu ngày một tăng nhờ có đầu tư về thủy lợi, giao thông và các biện pháp nông học.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là, khối lượng lúa sản xuất và xuất khẩu càng tăng lại tỉ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỉ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.

"Hiện nay, người dân Philipines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. Vô tình, chúng ta, trước hết là nông dân Việt Nam đang phải “bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tế về an toàn lương thực”. Đó là kết quả của sự phát triển thiếu chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng công nghiệp sinh thái”, ông nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Gạo Việt đang mải miết sung sướng với thành tích số lượng mà quên chất lượng. Trên thực tế, vị trí của gạo Việt cũng đang bị đe doạ rồi, về gạo chất lượng cao chúng ta đã thua Thái Lan và Campuchia”.

Theo vị chuyên gia này, ngay cả con số 3 tỷ USD xuất khẩu gạo mà Việt Nam “sung sướng” cũng không đáng kể khi chỉ ngang với 3 tỷ USD tiêu thụ rượu bia ở trong nước.

“Theo con số thống kê tôi được biết, Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, 3 tỷ USD này chỉ bằng lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam. Nông dân lăn lộn làm ruộng chỉ ngang tiền uống bia liệu có đáng không?”, bà đặt câu hỏi.

Bà Lan cũng nói thêm rằng: "“Không thể trách người nước ngoài mang sản phẩm tốt hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn vào bán tại Việt Nam. Ngành Nông nghiệp cũng không có quyền trách cứ hay đòi hỏi người tiêu dùng cứ phải yêu nước, thương nông dân xài hàng Việt Nam. Nếu không thay đổi căn bản, khi vào cuộc hội nhập tới, việc chúng ta thua trong ngành gạo là thấy trước được”.

Cần có thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

Bàn về giải pháp, nhóm nghiên cứu của TS Đào Thế Anh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng, gạo Việt thực sự cần một thương hiệu quốc gia nhằm giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và có chỗ đứng vững vàng trên thị trường thế giới.

Theo TS Đào Thế Anh, mức độ tham gia của gạo Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của gạo Việt vẫn còn yếu, chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp... Trên 200 doanh nghiệp Việt Nam có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo nhưng ít sử dụng thương hiệu riêng do quá phụ thuộc vào các hợp đồng do Vinafood đấu thầu... Chính là chính sách tập trung đầu mối xuất khẩu đã làm giảm tính năng động và cạnh tranh bằng chất lượng của các doanh nghiệp tư nhân.

"Chất lượng gạo Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo sức khỏe, cũng như môi trường của một số thị trường cao cấp như Nhật Bản, Singapore, châu Âu... Tóm lại, sản xuất gạo chưa theo kịp nhu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng của thị trường nhập khẩu, giá luôn thấp so với các nước xuất khẩu chủ chốt...", ông nói.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam có nhiều giống lúa bản địa có chất lượng cao, nhưng gạo Việt Nam không được sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện với môi trường như Campuchia, hay sử dụng giống bản địa có hỗ trợ của thương hiệu quốc gia như Thái Lan, hay thương hiệu Basmati đã có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới của Ấn độ.

Vì vậy, để thương hiệu gạo Quốc gia có hiệu quả cần có nghiên cứu một cách nghiêm túc về sở thích tiêu dùng của thị trường gạo thế giới và trong nước. Thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ thị trường, từ nhu cầu người tiêu dùng, từ các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất và thương mại, từ tình hình cạnh tranh. Việc cung cấp một nhóm sản phẩm gạo tính chung dưới thương hiệu Quốc gia cho tất cả thị trường sẽ không phù hợp trong môi trường hội nhập sâu rộng hiện nay.

"Gần đây có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sang Việt tìm nguồn để nhập khẩu gạo đỏ, gạo nếp cái hoa vàng, gạo hữu cơ, gạo thảo dược, gạo Nhật (Japonica)... Đây chính là các thị trường tiềm năng cần nghiên cứu sâu hơn. Ta cần xác định nhu cầu của từng phân khúc thị trường, vị trí cạnh tranh của gạo Việt Nam so với từng đối thủ để từ đó có thể vạch ra chiến lược thích hợp (cạnh tranh giá, cạnh tranh chất lượng, thị trường mục tiêu...), ông Đào Thế Anh cho biết thêm.

Phương Dung

 

Nghịch lý gạo Việt: Hàng “xịn” xuất khẩu rẻ hơn bán trong nước - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm