Đi trước 20 năm, sao gạo Việt thua Campuchia?

Trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam… không có thứ hạng vì không có thương hiệu.

Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo suốt 26 năm qua, còn Campuchia chỉ mới bắt đầu xuất khẩu từ năm 2008. Nhưng hiện nay gạo Campuchia đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh, thậm chí vượt mặt gạo Việt Nam.

“Gạo Việt Nam bây giờ không chỉ thua Thái Lan, Ấn Độ mà còn thua cả Campuchia” - GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận.

Xuất nhiều nhưng không thương hiệu

Nếu xét về sản lượng, gạo Campuchia không thể so bì với nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới - Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm nước ta xuất khẩu 6-8 triệu tấn gạo, trị giá 3-3,7 tỉ USD. Riêng chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo nước ta đạt hơn 5 triệu tấn, trong khi cùng thời điểm Campuchia chỉ xuất khẩu được 360.000 tấn.

Tuy nhiên, xét về chất lượng, thương hiệu trên thị trường thế giới thì Campuchia có thể tự hào đứng ngang hàng với “anh cả” trong làng gạo là Thái Lan, còn gạo Việt Nam thì… không có thứ hạng vì không hề có thương hiệu.

GS Võ Tòng Xuân dẫn chứng: “Năm 2014, gạo thơm của Campuchia và Thái Lan đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ hội nghị gạo thế giới lần thứ sáu diễn ra tại Campuchia. Gạo thơm Romduol của Campuchia và gạo lứt đỏ Thái Lan đã đạt giải gạo ngon nhất, chủ yếu dựa trên tiêu chí hương vị và hình dáng hạt gạo”. Đây là lần thứ ba gạo Campuchia được bình chọn gạo ngon nhất thế giới.

Đạt được kết quả trên là nhờ Campuchia cũng như Thái Lan đều chú trọng chất lượng gạo chứ không chỉ chạy theo sản lượng như Việt Nam.

Đáng ngại hơn, xét về thị trường xuất khẩu, gạo Việt đã xuất khẩu sang hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng trong đó thị trường châu Á chiếm gần 77%, đây là thị trường chủ yếu tiêu thụ gạo cấp thấp, giá rẻ. Ngược lại, gạo Campuchia xuất khẩu gần 70 nước trên thế giới nhưng là gạo chất lượng bán vào những thị trường khó tính thuộc khối EU và Mỹ.

Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt thường thấp nhất thế giới và nếu so gạo cùng loại, gạo Campuchia luôn cao hơn gạo Việt 70-80 USD/tấn nhờ chất lượng, có thương hiệu.

Không chỉ vậy, gạo Việt đang mất dần các thị trường mối và truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc vào tay Thái Lan và Campuchia.


Thu mua lúa gạo xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh: HTD

Thu mua lúa gạo xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh: HTD

Loay hoay tìm thương hiệu

Trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì Campuchia, kể cả nước mới nổi lên là Myanmar cũng đã làm được thương hiệu gạo có tiếng trên thị trường thế giới từ vài năm nay.

GS Võ Tòng Xuân cho biết tại hội chợ triển lãm quốc tế ngành gạo năm 2014, Thái Lan có hơn 10 công ty tham gia với nhiều thương hiệu, Campuchia cũng không kém cạnh với tám thương hiệu gạo được trình làng. Trong khi đó, Việt Nam không có thương hiệu nào.

Thái Lan nổi tiếng với thương hiệu gạo thơm Jasmine, Hom Mali, Ấn Độ có gạo Basmati, còn Campuchia cũng xây dựng thương hiệu gạo thơm Romduol, Myanmar có gạo thơm Paw San.

Nhìn lại Việt Nam dù có nhiều giống lúa nhưng gạo xuất khẩu đều “dựa hơi” giống gạo thơm Jasmine của Thái Lan hoặc chủ yếu gọi cái tên chung chung gạo trắng hạt dài (phân loại 5%, 15%, 25% tấm).

“Việt Nam xuất khẩu gạo trộn, gạo không đồng nhất nên không thể có thương hiệu” - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận.

Ông Bas Bourman, Giám đốc quan hệ đối tác khoa học lúa gạo toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nhìn nhận xuất khẩu gạo Việt Nam tăng hằng năm về số lượng nhưng chưa có sự gia tăng giá trị xuất khẩu cộng thêm tương ứng.

“Nông dân vẫn phải chịu thu nhập thấp, do đó không thể tái đầu tư vào công nghệ sản xuất, hạt giống và các sản phẩm bảo vệ mùa màng vốn có thể giúp họ tăng năng suất, cải thiện đời sống” - ông Bas Bourman nói.

Trồng theo tiêu chuẩn quốc tế

GS Võ Tòng Xuân chia sẻ Việt Nam nên học cách làm hiệu quả của Campuchia. Quy trình xây dựng ngành gạo của họ từ khâu chọn lựa giống, sản xuất cho đến việc xây dựng thương hiệu với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB). Ví dụ về giống, Campuchia tuyển chọn tất cả giống lúa ở quốc gia này. Trên cơ sở đó, họ chọn ra hai giống lúa chủ lực để đi vào sản xuất, đồng thời tập huấn cho nông dân trồng đúng theo kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Song song với đó, họ chọn những doanh nghiệp có năng lực, có tâm huyết, được WB huấn luyện…, sau đó đầu tư, mua sắm thiết bị hiện đại hoàn chỉnh từ thu hoạch, chế biến, đóng gói, dán nhãn. Tiếp đến những doanh nghiệp này sẽ được Chính phủ hỗ trợ tham dự các hội chợ thế giới quảng bá sản phẩm thương hiệu gạo cho quốc gia, xúc tiến thương mại, ký hợp đồng.

“Với hàng chục giống lúa hiện nay, chúng ta chỉ cần nghiên cứu lựa chọn ra 1-3 giống để sản xuất xuất khẩu. Campuchia hay các nước Đông Nam Á đều có diện tích trồng lúa manh mún như Việt Nam nhưng nếu bắt nguồn từ giống tốt, chất lượng, sau đó mới đến chọn vùng trồng, vận động nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bao tiêu. Nhiều nông dân trồng đồng nhất một giống và đồng nhất về mặt kỹ thuật thì chắc chắn sẽ có vùng nguyên liệu chất lượng để xây dựng thương hiệu xuất khẩu” - GS Xuân tự tin nói.

Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM

 

Đi trước 20 năm, sao gạo Việt thua Campuchia? - 2