Nghịch cảnh chứng khoán: Người mất nhà mất xe, người giàu lên không tưởng
(Dân trí) - Với quy mô dòng tiền đạt quanh 1 tỷ USD đổ vào thị trường chứng khoán mỗi phiên, nhiều cổ phiếu vượt đỉnh và đẩy tài sản đại gia tăng chóng mặt. Ngược lại, phần lớn nhà đầu tư vẫn thua lỗ.
Đa số người "chơi" chứng khoán đang mất tiền
Thị trường vẫn chưa thể thoát ra khỏi xu thế chốt lời ngắn hạn trong quá trình VN-Index chinh phục 1.300 điểm. Chỉ số chính giằng co và rung lắc rất mạnh, phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn trong tình trạng giảm giá trong ngày 18/5.
Cụ thể, có 530 mã giảm, 11 mã giảm sàn so với 383 mã tăng, 55 mã tăng trần. Tiền vẫn đang chủ yếu hướng vào cổ phiếu VN30, tập trung tại một số mã ngân hàng, thép… Do đó, sự phân hóa trên thị trường rất rõ rệt. Số nhà đầu tư mất tiền nhiều hơn là được.
Nhiều nhà đầu tư nắm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) như đang "ngồi trên đống lửa" vì thị trường có tăng hay giảm thì cổ phiếu trong danh mục vẫn… tiếp tục giảm.
"Tình trạng hiện tại khi nắm cổ phiếu midcap là bỏ thì thương mà vương thì tội. Với vùng giá hiện tại của những mã này gần như đều đã về nền để chờ hồi phục, tuy nhiên, dòng tiền lại đang chỉ dồn vào một số trụ và một số cổ phiếu ngân hàng. Dù vậy, nhà đầu tư cũng không dám đổi hàng theo hướng bán midcap để mua vào cổ phiếu đang tăng mạnh vì dễ đu đỉnh" - chị Nguyễn Thanh Loan, môi giới của một công ty chứng khoán trụ sở tại TPHCM cho hay.
Chiến thắng trên thị trường đang không dành cho số đông. Trong nhiều phiên gần đây, số lượng mã giảm giá vẫn chiếm đa số, phần lớn nhà đầu tư vẫn mất tiền, trong khi không ít người cầm tiền lại đứng ngoài thị trường để tránh "xung đột" giữa bên mua và bên bán, chờ thời điểm xác định rõ xu hướng mới "tham chiến".
Đắng lòng mất nhà, mất xe ngay cả khi thị trường chứng khoán "bung nóc"
Suốt thời gian qua, các dòng thép, ngân hàng, chứng khoán luân phiên nhau dẫn dắt thị trường, trong khi tiền vào cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) gần như cạn kiệt.
Giữa lúc hoài nghi, không dám tham gia vào những cổ phiếu đang tăng giá mạnh do sợ "đu đỉnh", một số nhà đầu tư lại bắt đáy cổ phiếu midcap vì lầm tưởng các mã này đã "rẻ" rồi cay đắng nhận ra họ bị rơi vào thế "kẹp hàng".
Sau đó để "trung bình giá", nhà đầu tư lại mua thêm cổ phiếu để rồi lỗ lại càng nặng hơn. Theo đó, không ít người rơi vào vòng luẩn quẩn thua lỗ , giá trị tài khoản liên tục "bốc hơi" mỗi ngày dù trớ trêu thay, chỉ số vẫn tăng điểm.
"Do chiến lược sai lầm mà mới từ đầu tháng 5 đến nay, tôi đã lỗ 40% tài khoản, ngang với một chiếc ô tô sedan" - anh Thanh Tùng, một nhà đầu tư đang sở hữu trong danh mục cổ phiếu bất động sản và dầu khí cho biết.
Rất dễ thấy tình trạng này khi mà VNMID-Index của cổ phiếu vốn hóa trung bình ngày 20/5 giảm thêm 9,19 điểm tương ứng 0,62%; VNSML-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) giảm 7,82 điểm tương ứng 0,61%.
Tương tự, HNX-Index giảm 0,14 điểm tương ứng 0,05% còn 295,1 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,08% còn 79,75 điểm.
Trong khi đó, VN-Index tăng dựng đứng 15,73 điểm tương ứng 1,25% lên 1.278,22 điểm. VN30-Index tiếp tục tăng rất mạnh 23,21 điểm tương ứng 1,66% lên 1.424,92 điểm.
Thị trường "xanh vỏ đỏ lòng". Dù chỉ số chính VN-Index tăng "sốc" nhưng phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn đang giảm giá. Thống kê trên 3 sàn cho thấy có 536 mã giảm giá, 21 mã giảm sàn so với 372 mã tăng giá, 48 mã tăng trần.
Dân Việt ầm ầm đổ tiền vào chứng khoán, ôm hận vì cắt lỗ đúng đáy
Bức tranh thị trường trong ngày giao dịch cuối tuần 21/5 đảo ngược so với phiên trước. Chỉ số mặc dù giằng co và xảy ra áp lực chốt lời mạnh mẽ ở những mã tăng nóng thời gian qua, thế nhưng, dòng tiền đã lan tỏa và giúp phần lớn cổ phiếu đạt được trạng thái tăng.
Thống kê cho thấy có 615 mã tăng giá, 96 mã tăng trần - áp đảo hoàn toàn so với 397 mã giảm, 42 mã giảm sàn. Chỉ số chính VN-Index đóng cửa tăng 5,71 điểm tương ứng 0,45% lên 1.283,93 điểm nhưng VN30-Index chỉ tăng 0,12 điểm tương ứng 0,01% còn 1.425,04 điểm.
Đáng chú ý, VNMID-Index bứt tốc tăng 20,17 điểm tương ứng 1,37%; VNSML-Index cũng tăng 16,95 điểm tương ứng 1,32%.
Như vậy, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang hầu hết nhóm ngành trên thị trường và tìm đến những mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn đã bị "bỏ quên" trong nhiều phiên giao dịch thời gian qua.
Trong khi nhiều nhà đầu tư phấn khởi vì giá trị tài sản đã hồi phục đáng kể nhờ diễn biến tăng lan tỏa rộng khắp, lại có không ít người nuối tiếc vì đã cắt lỗ đúng đáy trong phiên kề trước.
Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 698,92 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 23.667,46 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 133,04 triệu cổ phiếu tương ứng 3.119,58 tỷ đồng và trên UPCoM đạt 115,85 triệu cổ phiếu tương ứng 1.232,14 tỷ đồng.
Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dòng tiền, có vẻ như nhiều nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt đang dần tìm kiếm cơ hội mới thay vì đứng ngoài thị trường quan sát để chờ đợi thời cơ.
Thực tế là thời gian qua, chỉ số tăng, VN-Index tiến sát đỉnh 1.300 điểm và sẽ chịu nhiều thách thức nhưng VN30-Index đã vượt 1.400 điểm một quãng rất xa.
Việc VN-Index và VN30-Index tạo khoảng cách lên tới gần 150 điểm có thể sẽ là cơ hội rất lớn để những cổ phiếu vừa và nhỏ tăng tốc, nhưng cũng là áp lực với cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 vì có thể sẽ chịu áp lực chốt lời. Thị trường trong tuần tới sẽ có nhiều chờ đợi, đặc biệt là khả năng "hồi sinh" và bật lên của những cổ phiếu vừa và nhỏ vốn đã về nền khá lâu.
Cuộc "soán ngôi" ngoạn mục chưa từng có của đại gia chứng khoán Việt
Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường giảm giá, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư hưởng lợi khi đặt cược vào triển vọng cổ phiếu thép, ngân hàng. Theo đó, bảng xếp hạng người giàu chứng khoán cũng có những thay đổi nhất định.
Đã có những cuộc "soán ngôi" rất ngoạn mục xảy ra thời gian qua. Cụ thể, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vững chắc ở vị trí thứ hai thay thế bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air. Việc HPG tăng giá phi mã trong suốt một năm qua đã giúp tài sản ông Trần Đình Long tăng lên con số 57.110 tỷ đồng.
Giá hiện nay của HPG cũng là mức cao nhất mọi thời đại của mã cổ phiếu này. Trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu HPG đã tăng hơn 3 lần (tăng 221%).
Bên cạnh đó, NVL của Novaland cũng lập đỉnh, tăng giá 172% trong vòng một năm. Nhờ đó, giá trị tài sản của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch tập đoàn này đạt 33.213 tỷ đồng, giàu thứ 3 thị trường chứng khoán Việt, vượt qua 2 tỷ phú được Forbes công nhận là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group.
Đây cũng là phiên mà cổ phiếu TCB đạt mức giá cao nhất kể từ mã này niêm yết trên thị trường chứng khoán cho tới nay. MSN cũng đạt mức giá ở vùng đỉnh.
Hiện tại, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Hồ Hùng Anh là 28.887 tỷ đồng và của ông Nguyễn Đăng Quang là 27.924 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lùi về vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng người giàu chứng khoán ở Việt Nam với tổng giá trị tài sản cổ phiếu là 24.128 tỷ đồng.
Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam còn ghi nhận thêm sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt (tài sản 18.709 tỷ đồng) và ông Nguyễn Đức Thụy - người sáng lập Thaiholdings (tài sản 17.311 tỷ đồng). Số liệu được tính toán dựa trên giá cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa phiên 19/5.