1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch cảnh chợ ô tô: Giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, bảo vệ, rửa xe...

An Linh

(Dân trí) - Cả năm chỉ bán được chưa tới 20 chiếc xe. Từ chỗ có 3 đại lý bán, giờ anh Tưởng chỉ còn 1 đại lý, trước có gần 10 tư vấn viên thì nay chỉ còn mình anh kiêm Giám đốc, bán hàng, bảo vệ và lau - rửa xe.

Mong năm 2020 qua nhanh...

Như rất nhiều người kinh doanh xe cũ khác, anh Nguyễn Mạnh Tưởng - đại lý xe hơi cũ tại Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội - chia sẻ với PV Dân trí rằng rất mong muốn năm 2020 qua thật nhanh để hết vía một năm đen đủi.

Tính ra, cả năm anh Tưởng chỉ bán được chưa tới 20 chiếc xe. Từ chỗ có 3 đại lý bán, giờ anh này chỉ còn 1, từ chỗ có gần 10 tư vấn viên đến nay chỉ còn mỗi mình anh kiêm Giám đốc, bán hàng và bảo vệ, lau rửa xe.

"Năm 2020 không làm ăn gì được cả, như tôi may là chỉ lỗ ít, vài chục triệu đồng, còn có người lỗ cả trăm triệu đến cả tỷ bạc" - anh Tưởng nói.

Nghịch cảnh chợ ô tô: Giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, bảo vệ, rửa xe... - 1

Nhiều đại lý xe cũ tại Hà Nội vẫn rất chật vật để tồn tại, vượt qua Covid-19, sự cạnh tranh của xe mới và đặc biệt nhu cầu mua xe cũ của người dân đô thị giảm

Theo chủ đại lý xe hơi cũ này, chi phí thuê bãi bán xe bình quân từ 10 - 30 triệu đồng/tháng, nhân viên lương cứng từ 5-8 triệu đồng chưa kể % doanh số. Đấy là chưa nói vốn đổ vào xe vẫn nằm ở gara khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí có người hơn chục tỷ đồng.

"Từ năm 2019, các đại lý xe sợ bị giảm vốn nên chuyển qua phương thức ký gửi. Khách có nhu cầu bán xe có thể giao xe bán tại đại lý, mức giá do đại lý và bên bán thỏa thuận và có chiết khấu cho đại lý. 

Bình quân, mỗi tháng khách trả ký gửi từ 2 đến 3 triệu đồng, càng để lâu đại lý sẽ phải giảm chiết khấu bán xe, nếu hai bên cam kết chỉ bán trong vòng 3 tháng màu sau 3 tháng mới bán được xe, coi như chỉ được lãi tiền ký gửi, số chiết khấu sẽ mất đi" - anh Tưởng cho hay.

Năm 2020, giới kinh doanh xe cũ gặp muôn vàn khó khăn từ sự suy giảm tổng cầu đến sự cạnh tranh của các dòng xe mới trong nước hoặc xe nhập khẩu. Ngay từ đầu năm, thị trường xe thế giới nói chung, xe Việt nói riêng gặp "họa" từ đại dịch Covid-19 khiến cho tổng cầu thị trường giảm rất mạnh, nhiều người mất việc, người có nhu cầu đình hoãn kế hoạch mua xe, đặc biệt là đối với xe cũ.

Năm 2021 thị trường xe Việt khó có biến động mạnh?

Chính sách giảm phí trước bạ 50% của Chính phủ cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu đã tạo động lực giúp các doanh nghiệp, đại lý xe hơi được cứu trợ kịp thời. Nhiều chính sách mua hàng như vay trả góp 2 năm không lãi suất đã khiến một bộ phận lớn khách hàng xe cũ chạy sang xe mới.

Nghịch cảnh chợ ô tô: Giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, bảo vệ, rửa xe... - 2

Ở trạng thái bình thường mới của nền kinh tế, trong khi tổng cầu không tăng, việc tăng doanh số, lượng xe bán ra năm 2021 sẽ trở thành bài toán đau đầu đối với các hãng xe

 Ông Vũ Hùng - chủ đại lý xe cũ tại Phạm Hùng - cho biết: "Năm nay, giới kinh doanh xe dịch vụ, mua xe chạy Grab suy giảm nhiều, đặc biệt mới đây việc Grab đánh chiết khấu 28% - 32% cho lái xe con đã khiến nhiều người từ bỏ ý định mua xe chạy dịch vụ. Trong khi đó, những mẫu xe qua sử dụng bán chạy đời 2015 trở lại đây chịu tác động rất lớn của việc xoay vòng đời nhanh của các hãng xe mới trên thị trường. Trung bình chưa đầy 1,5 năm, các hãng đã ra mẫu mới, hoặc mẫu bổ sung gây áp lực lớn cho xe cũ".

Không chỉ với xe cũ khó khăn, kinh doanh xe mới năm 2021 được nhìn nhận vẫn khó bứt phá. "Xe trong nước năm 2021 sẽ hết ưu đãi giảm phí trước bạ 50%, thị trường lại lập lại ở trạng thái cân bằng với xe nhập. Điều này bắt buộc các nhà sản xuất, hãng, đại lý phải có động thái kích thích tiêu dùng bằng chiết khấu, giảm giá, tăng dịch vụ hậu mãi. Đây là điều chắc chắn để doanh số không giảm nhanh sau Tết nguyên đán 2021" - ông Hùng cho hay.

Một điều khiến giới kinh doanh xe mới tại Hà Nội kỳ vọng trong năm 2021 là giá xe nhập từ một số thị trường Liên minh châu Âu (EU), Nhật hay Úc có thể giảm ở Việt Nam. Việc giảm giá các mẫu xe nhập từ các thị trường mới, tạo xu hướng cạnh tranh hơn và khiến cho đối tượng mua xe mở rộng hơn, lợi thế cho các đại lý xe tư nhân. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn hoài nghi về điều này.

Một chuyên gia về thị trường ô tô nhận định: "Tại Việt Nam hiện các mẫu xe EU, Nhật, Úc, Mexico chỉ có vài nhà cung cấp độc quyền, chính hãng, họ đã có mặt tại Việt Nam và cũng là các nhà sản xuất, liên doanh lắp ráp xe trong nước. Việc giảm giá do giảm thuế nhập khẩu phụ thuộc lớn vào quyền của họ. Nếu thị trường Việt có nhiều hơn các nhà phân phối, xu hướng cạnh tranh sẽ khiến cho độc quyền tự nhiên mất đi và giá xe sẽ hạ chung".

Trong khi đó, một số người kinh doanh xe lâu năm cho rằng để một hãng xe mới, nhà phân phối độc quyền xe "bước chân" vào Việt Nam ít nhất phải mất từ 2-3 năm chuẩn bị từ cơ sở vật chất, hệ thống đại lý lẫn marketing... Đây là thách thức lớn và khó có khả năng năm 2021, người Việt sẽ được tận hưởng không khí mua xe giảm thuế, giảm giá ngay lập tức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm