1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội:

Nghệ sĩ quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật chưa được xử lý

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật, nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.

Nghệ sĩ quảng cáo thuốc sai sự thật

Tham gia góp ý tại thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết, hiện nay trên môi trường không gian mạng, các loại quảng cáo trên các nền tảng trình duyệt, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng mà chưa được sự kiểm soát chặt chẽ.

"Thực trạng này thật nguy hại khi các sản phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng tự như thần dược trên các ứng dụng lớn như Facebook, Youtube, Tiktok...", bà Trinh lo lắng.

Nghệ sĩ quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật chưa được xử lý - 1

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) (Ảnh: Quốc Chính).

Cũng theo bà Trinh, vừa qua, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.

Do đó, vị đại biểu này đề nghị trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo đối với các sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đề nghị bổ sung quy định về các hành vi bị cấm

Đồng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng và kịp thời điều chỉnh các loại hình kinh doanh giao dịch mới với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bà Phúc cho rằng, cần rà soát và điều chỉnh, thống nhất các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật Thuế và các luật có liên quan.

"Thực trạng nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng có sự ảnh hưởng đối với xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật, chất lượng không đúng như quảng cáo được chạy trên các nền tảng số, phương tiện truyền thông đã làm ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng", bà Phúc nêu.

Nghệ sĩ quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật chưa được xử lý - 2

Năm 2021, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân phải "cúi đầu nhận lỗi với khán giả" vì quảng cáo chưa đúng (Ảnh: Băng Châu).

Vị đại biểu này đề nghị xem xét, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm có nội dung dùng kỹ xảo hình ảnh hay các thủ đoạn khác và chỉnh sửa theo hướng lừa dối hoặc dùng kỹ xảo hình ảnh hay các thủ đoạn khác nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ và không chính xác.

Đồng thời, đại biểu cho rằng cần xem xét bổ sung quy định về nội dung không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đã cam kết với người tiêu dùng sau nội dung đã được quy định tại dự thảo.