Long An:

Nghệ nhân nghề trống thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Mỗi năm, làng nghề trống truyền thống Bình An xuất xưởng gần 1000 chiếc trống các loại. Tùy theo loại, trống được bán với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, các nghệ nhân vừa có thể giữ nghề cha ông, vừa ổn định kinh tế gia đình.

Quyết giữ nghề cha ông

Nghệ nhân nghề trống thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm - 1
Nghề trống Bình An được hình thành và phát triển khoảng 200 năm và là nghề trống nổi tiếng nhất Lục tỉnh Nam kỳ ngày xưa.

Nhắc đến nghề làm trống, người dân Lục tỉnh Nam kỳ xưa không thể không nhắc đến làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển, dù thăng trầm nhưng nhiều nghệ nhân vẫn quyết giữ nghề. 

Theo người dân nơi đây, nghề trống tại Bình An được nghệ nhân Nguyễn Văn Ty thành lập khoảng năm 1810. Đây là làng nghề trống lâu đời và nổi danh nhất Lục tỉnh Nam kỳ ngày xưa. Cụ Ty trước đây làm nghề buôn bán rồi sau đó được một người ở Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) truyền cho nghề bịt trống. Với khả năng cảm âm của mình, cụ Ty đã phát triển nghề trống lên một đỉnh cao mới với âm thanh trong trẻo và vang vọng như hiện nay. 

Nghệ nhân nghề trống thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm - 2
Mỗi công đoạn làm trống đòi hỏi người nghệ nhân phải tập trung và có kỹ thuật điêu luyện.

Sau khi dạy cho con cháu và người làng Bình An làm trống, hàng trăm người theo nghề cụ Ty. Lúc bấy giờ, trống Bình An không chỉ nổi danh khu vực miền Nam mà còn lan ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. 

Ở Bình An, những nghệ nhân làm ra rất nhiều loại trống, từ trống đại đến trống cái, từ trống nhạc, trống lễ, trống chùa đến trống lân, trống trường. Tất cả đều là những loại trống đặc sắc với thân gỗ phẳng lì, nhẵn bóng, bằng mắt thường không thể nhìn thấy các đường ghép của từng miếng ván. Âm thanh trong trẻo, vang vọng là điểm nổi bật mà ít trống nào sánh được.

Theo kỹ thuật từ các nghệ nhân để lại, để có được tiếng trống ấm, vang xa, dùng được bền, tất cả đều phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là da trâu bịt trống và gỗ làm thân trống. Người nghệ nhân cũng phải tỉ mỉ với gần 20 công đoạn khác nhau. Từ chuyện xử lý và căng da trâu, phơi gỗ, đốt than để uốn cong thành gỗ, đẽo chuốt dăm trống, đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, đóng mây. Da dùng căng mặt trống, người làng Bình An chỉ sử dụng da trâu tươi của những con trâu có tuổi trên mười năm vừa lấy ra từ lò mổ, tuyệt đối không dùng da trâu đã qua xử lý. 

Đổi đời nhờ trống

Nghệ nhân nghề trống thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm - 3
Theo anh An, mỗi nghệ nhân nghề trống Bình An có thu nhập khoảng nửa tỉ đồng mỗi năm.

Hiện nay, khoảng 20 nghệ nhân còn bám trụ với nghề trống Bình An. Mỗi năm một nghệ nhân cũng có thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng. Đây là một trong rất ít nghề truyền thống ở Long An có thể giúp các nghệ nhân ổn định kinh tế trong thời buổi hiện nay. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ba chia sẻ: "Ngày nay, nhiều nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do nhu cầu thị trường hạn chế. Nhưng đối với nghề làm trống vẫn còn nhiều đất sống do nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống ngày càng phát triển. Người làm trống vẫn có thu nhập khá từ nghề, đủ để nuôi sống gia đình và cho con cái học hành. Tuy nhiên, nghề này đỏi hỏi người làm phải thật sự chăm chỉ, khéo léo tiếp thu bí quyết là nghề, và chịu khó học hỏi, sáng tạo để làm ra những chiếc trống độc đáo. Sản phẩm làm ra phải được xem như đứa con tinh thần của mình".

Nghệ nhân Năm Mến, một trong những nghệ nhân nổi tiếng ở Bình An cho biết ngày xưa cả làng sống nghề nhờ trống. Thời xưa, làng Bình An đời sống kinh tế dư giả nhất nhì trong vùng. Đến giờ con cháu ông cũng giàu lên nhờ nghề trống, không nhà nào phải lo cái ăn cái mặc.  Hơn 50 năm theo nghiệp làm trống, nghệ nhân Năm Mến đã miệt mài phát huy kỹ thuật truyền thống của gia đình, đồng thời dày công nghiên cứu để tạo ra những chiếc trống có âm thanh ngày càng hay hơn, phù hợp với từng nhu cầu cụ thể.

Nghệ nhân nghề trống thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm - 4
Là nghệ nhân đời thứ 5 của Bình An, người trẻ đã áp dụng công nghệ để đưa trống xuất ngoại, tăng thu nhập.

Nguyễn Văn An (con ông Mến) giờ đây cũng trở thành nghệ nhân giỏi và mỗi năm cũng cho ra đời hàng trăm loại trống khác nhau. "Nghề làm trống vất vả, phải có tình yêu và sự đam mê mới làm được. Tuy nhiên, đây không phải là nghề bạc, nếu mình biết yêu nghề thì những giá trị mang lại là không hề nhỏ. Ngoài danh tiếng được biết đến, mỗi năm nếu chịu khó có thể kiếm khoản thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí".

Hiện nay, hàng chục thanh niên làng nghề Bình An cũng đang theo học để nối nghề cha ông. Không dừng lại ở đó, nghề trống Bình An cũng được giới thiệu nhiều trên mạng xã hội, do vậy, nhiều người từ ngoài Bắc vẫn vào tận đây để đặt hàng. Nhiều đoàn nghệ thuật của Canada, Mỹ, Úc, Pháp, Singapore… cũng tìm đến và Bình An đã xuất ngoại hàng ngàn chiếc trống trong những năm qua. 

Xuân Hinh