1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngày Tết làm gì để "hái" ra tiền?

(Dân trí) - Tết Nguyên đán là dịp để kiếm thêm thu nhập cho nhiều người nhờ vào công việc kinh doanh. Và thực tế với số vốn không nhiều, người tham gia kinh doanh vẫn có thể kiếm lời đáng kể nếu biết cách lựa chọn mặt hàng và có cách tiếp cận khách hàng thông minh.


Tết Nguyên đán là dịp để kiếm thêm thu nhập cho nhiều người nhờ vào công việc kinh doanh. (Ảnh minh hoạ)

Tết Nguyên đán là dịp để kiếm thêm thu nhập cho nhiều người nhờ vào công việc kinh doanh. (Ảnh minh hoạ)

Theo diễn giả - doanh nhân Phạm Ngọc Anh, nguyên tắc vàng với các cách kinh doanh ít vốn là quay vòng vốn thật nhanh, tìm kiếm các mặt hàng dễ bán, chủ động tìm kiếm nguồn hàng giá tận gốc để “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Nếu thực hiện tốt nguyên tắc này chắc chắn công việc kinh doanh của bạn sẽ “phát đạt”.

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

Ngoài ra, việc lựa chọn kinh doanh mặt hàng gì phụ thuộc nhiều vào mối hàng và khả năng kinh tế của từng người. Trước hết cần xác định sản phẩm mình định kinh doanh là gì? Sản phẩm ấy người ta sẽ thường xuyên mua nhiều vào trong thời gian nào? Khách hàng sẽ mua trước Tết khoảng bao nhiêu ngày?

Với phương án kinh doanh ít vốn, diễn giả Phạm Ngọc Anh gợi ý, nên lựa chọn các mặt hàng thiết yếu cho ngày tết như: hoa quả cúng tết, đặc sản vùng miền, đồ trang trí nhà cửa, hoa Tết…

“Đối tượng khách hàng nên hướng tới là người quen trong cơ quan, bạn bè, người thân hoặc khách hàng trên mạng xã hội. Nhu cầu mua hàng online hiện đang tăng lên theo cấp số nhân, do đó có thể dựa trên lợi thế này để phát triển công việc kinh doanh của mình”, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn kinh doanh và tài chính cá nhân khuyên.

Lãi “khủng” từ bán hoa tươi

Kinh doanh hoa tươi vào dịp lễ tết không phải là dịch vụ mới nhưng với kế hoạch hợp lý, bạn hoàn toàn có thể kiếm được khoản thu nhập khá lớn với số tiền vốn bỏ ra ban đầu không cần quá lớn.

Theo kinh nghiệm của những người đã có kinh nghiệm đi buôn hoa, với các loại hoa như hoa hồng, cúc, dơn, đồng tiền… chỉ cần 3-4 triệu đồng đầu tư. Còn với các loại hoa đắt tiền hơn như hoa ly, phong lan, hải đường… cần khoảng 9-10 triệu đồng.

“Nếu khéo bán thì với 10 triệu bỏ ra bạn có thể thu về 20 triệu hoặc không ít cũng lãi tới 50%. Tuy nhiên, bạn cần phải cân đối lượng hàng lấy về. Ví dụ như hoa hồng nhanh tàn, phải bảo quản cẩn thận, chỉ nên lấy ít thôi nhưng lấy bông to đẹp. Hoa cúc, hoa lay ơn dễ bán, dễ bảo quản. Hoa ly thì tuỳ từng nơi, có nơi mua nhiều có nơi ít mua”, chị Nguyễn Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Còn theo chị Mai Lan, một người từng kinh doanh mặt hàng này: “Cơ bản phải chọn chỗ lấy hoa giá tốt, hoa đẹp và không mất chi phí vận chuyển lớn. Tiếp đó là phải chọn vị trí đẹp để bán”.

Làm đồ ăn bán Tết

Thời điểm Tết, nhiều chị em công sở chuyển sang kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm tự làm để kiếm thêm tiền chi tiêu. Mặt hàng thường được lựa chọn có thể kể tới như mứt Tết, nem, giò, cá kho…

Nhờ “biệt tài” nấu nướng nên dù chưa tới Rằm, chị Vân Anh (Tây Hồ, Hà Nội) đã kín đơn đặt hàng các món chả nem để giao cho khách ăn Tết. Với mức giá khoảng 100 nghìn đồng/hộp 10 chiếc, các món nem như nem cá hồi, nem tôm, nem hải sản… của Vân Anh rất được lòng khách hàng, nhất là các bà nội trợ bận rộn lại không có nhiều năng khiếu trong khoản nấu nướng.

“Tôi đã chính thức ngừng nhận đơn nem cho dịp Tết từ đầu tuần này do số lượng đặt đã rất lớn. Trung bình mỗi khách lấy từ 3-5 hộp, có người mua tới 20 hộp vừa để ăn, vừa để đi biếu”, chị Vân Anh chia sẻ.

Cũng gia nhập vào "đội quân” kinh doanh đồ ăn tự làm đợt Tết, chị Huyền Thương (Linh Đàm, Hoàng Mai) khởi đầu với món mứt dứa bởi dễ mua nguyên liệu và cũng dễ làm, không đòi hỏi phải quá khéo léo.

“Mới rao bán được vài ngày những tôi đã nhận được hơn 20 đơn đặt hàng, chủ yếu từ bạn bè và đồng nghiệp. Món này trên thị trường bán nhiều với mức giá rẻ hơn nhưng mọi người có xu hướng chọn mua của người quen bởi lo ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm trên thị trường”, chị Thương nói.

Buôn đồ quê “lên ngôi”

Không khéo tay để nấu nướng nhưng chị Hương (một nhân viên văn phòng tại Đống Đa) lại có một hướng kinh doanh khác. Với lợi thế quê ở Nghệ An, gần thời điểm Tết, chị Hương rất đắt hàng các đơn đặt mua đặc sản tại quê như: giò me, cam Vinh, bưởi Phúc Trạch…

"Nhờ buôn bán thêm nên vợ chồng tôi cũng có thêm một khoản đáng kể để dành cho việc sắm sang cho Tết này”, chị Hương tâm sự.

Giống như chị Hương, các món đặc sản quê như thịt trâu gác bếp, thịt lợn rừng, nấm hương, mộc nhĩ… của anh Quang Anh (quê ở Lào Cai) cũng rất thu hút khách.

Anh Quang cho biết: “Trong năm, đều đặn mỗi tuần nhà tôi lại gửi hàng từ trên quê qua xe khách xuống để bán. Dịp gần Tết, tần suất gửi tăng lên 2, 3 chuyến mỗi tuần. Tôi cũng dự định sẽ ở lại Hà Nội tới 29 Tết để kịp giao hết hàng cho mọi người".

Kiềm tiền từ tiền lì xì ngoại, kinh doanh hàng xách tay

Giống như mọi năm, các loại quà dùng để mừng tuổi dịp Tết như đồng xu mạ vàng, bạc, tiền lì xì may mắn… vẫn rất hút khách. Từ cách đây một tháng, nhiều người thậm chí đã nhập về nhiều đồng tiền độc lạ như tiền xu, tờ 2 USD hình con khỉ, đô la Úc hình con khỉ hay tiền Indonesia, Costa Rica in hình con khỉ để chuẩn bị cho mùa làm ăn năm nay.

Vốn tâm lý chuộng hàng ngoại, dịp gần Tết các mặt hàng nhập ngoại như rượu thuốc, bánh kẹo, hoa quả... cũng rất hút khách và được nhiều người hỏi mua. Đây cũng là dịp để những người kinh doanh hàng xách tay đẩy mạnh việc bán hàng, "tận thu" trong vụ làm ăn cuối cùng của năm.

Phương Dung

Ngày Tết làm gì để "hái" ra tiền? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm