Ngày Doanh nhân nghe “sếp” DNNN nói về “nỗi khổ” người tiêu tiền Nhà nước

(Dân trí) - "Có điểm khác nhau rất lớn giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nếu anh là doanh nghiệp tư nhân, anh có quyết định sai lầm thì anh bị mất về kinh tế, còn lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thì sao? Sai lầm của anh ngoài yếu tố kinh tế phải trả giá thì còn là câu chuyện sinh mạng chính trị..."

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xung quanh câu chuyện về "sếp" doanh nghiệp Nhà nước...

Nhiều người cho rằng làm “sếp” doanh nghiệp Nhà nước rất sướng, hưởng đủ các ưu đãi, nhiều ngành nghề còn độc quyền. Nhưng cũng không ít bài báo đã lên tiếng “nói hộ” nỗi lòng của lãnh đạo DNNN, đó là doanh nghiệp Nhà nước cũng có rất nhiều nỗi khổ, đúng không thưa ông?

Có điểm khác nhau rất lớn giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nếu anh là doanh nghiệp tư nhân, anh có quyết định sai lầm thì anh bị mất về kinh tế, còn lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thì sao? Sai lầm của anh ngoài yếu tố kinh tế phải trả giá thì còn là câu chuyện sinh mạng chính trị.

Mất kinh tế anh có thể làm lại được, còn mất sinh mạng chính trị, dính lao lý là điều vĩnh viễn không bao giờ anh lấy lại được. Điều mà những nhà điều hành doanh nghiệp Nhà nước lo sợ hơn cả đó là sinh mạng chính trị.

Đã kinh doanh thì có lỗ có lãi, có chỗ này có lời, có chỗ kia thâm hụt, không thể “đánh đâu trúng đó” được. Cũng không thể đồng nhất mọi thua lỗ là thất thoát, tham nhũng được. Nếu không phải là tham nhũng, thì với bất kỳ quyết định gì sai lầm cũng có thể bị coi là buông lỏng quản lý, thực sự không hề đơn giản như mọi người nghĩ.

Ngày Doanh nhân nghe “sếp” DNNN nói về “nỗi khổ” người tiêu tiền Nhà nước - 1
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tôi ví dụ, bà bán rau ngoài chợ, bán 10 loại rau, có loại bán hết, có loại còn, có hôm mưa hôm nắng, đến chiều muộn thì còn loại nào “ế” là bà có thể xả bán lỗ cũng được, miễn là “tống” đi cho nhanh. Nhưng DNNN không được làm thế. Cái lỗ, cái khó, nút thắt, mọi thứ… đều phải chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quyết định một lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không hề dễ, chúng tôi luôn cố gắng cẩn trọng nhất có thể.

Nhiều phản ánh cũng cho rằng quyền tự chủ của lãnh đạo DNNN bị hạn chế, họ không thể tự quyết được giải thể nhà máy này, bỏ đơn vị kia đi vì không hiệu quả để lập nên một nhà máy khác. Họ “khao khát” được “thoải mái” như doanh nghiệp tư nhân. Ông nghĩ sao?

Bất kỳ cái gì cũng có hai mặt. Tại sao phải quy định nhiều như thế, chặt chẽ như thế. Ở đây anh làm chủ doanh nghiệp nhưng không phải vốn anh bỏ ra, thế nên sẽ có chuyện bị can thiệp, bị chi phối bởi nhiều lợi ích khác nhau. Do vậy, không còn cách nào khác phải dùng rào cản, dùng quy định để kiểm soát.

Nói thế để hiểu rằng, chúng ta không phải vì sợ lợi ích này, lợi ích kia mà ngăn không cho làm. Nhưng chúng ta cũng không thể phân cấp hết mà không kiểm soát.

Giải pháp ở đây là gì? Để bảo toàn, phát triển vốn mà không “bó tay, bó chân” doanh nghiệp, cần thiết phải đẩy mạnh phân cấp nhưng tăng cường hậu kiểm. Nếu không DNNN sẽ mất cơ hội kinh doanh. Mà hậu kiểm không tốt cũng sẽ gây buông lỏng, thất thoát. Chúng ta phải đứng cả hai vai để nhận xét, ông uỷ quyền hết cho tôi, toàn bộ tôi làm tôi chịu trách nhiệm…

Nếu được giao quyền tự chủ hơn ông có đẩy mạnh việc đầu tư hay xã hội hoá các ga đường sắt vốn rất cũ kỹ hiện nay?

Rõ ràng khi được quyền quyết định thì dễ linh hoạt, dễ chớp lấy thời cơ. Kinh doanh đòi hỏi linh hoạt, nắm bắt được cơ hội.

Tôi ví dụ hai mảnh đất cạnh nhau, hai ông tư nhân và nhà nước cũng “nhảy” vào làm nhà ở. Đúng lúc này thị trường đang tốt, ông tư nhân có quyền tự quyết tốt hơn ông ý đẩy mạnh được dự án, bán đúng thời điểm nên giá tốt, thanh khoản cao. Còn ông nhà nước thì vẫn… đợi duyệt. Lúc tung ra thị trường sản phẩm thì có thể đã lỗi thời, thị trường bão hoà…

Dân trí vừa qua thực hiện một loạt bài phản ánh việc cán bộ, công chức và cả DNNN không dám làm vì… sợ sai sau hàng loạt vụ bắt bớ. Ông nghĩ sao về điều này?

Đi đường nhìn thấy một vụ tai nạn, tự khắc xử lý lái xe của chúng ta sẽ cẩn thận hơn, bởi chúng ta lo ngại về sự an toàn nhiều hơn. Những hiện tượng kia cũng vậy. Việc xử lý sai phạm ngoài chuyện xử lý đúng người đúng tội thì cũng là câu chuyện cảnh tỉnh cho ai làm sai hay có ý định làm sai.

Từ những vụ việc đó, nhiều người bắt đầu nghĩ tại sao vi phạm, tại sao bị bắt, mình có như vậy không. Nguyên tắc đã làm là phải cẩn trọng, dù có hay không chuyện bắt bớ. Anh có tư lợi thì anh sẽ lo ngại. Anh không có tư lợi thì lại cũng lo ngại những vấn đề khác như buông lỏng quản lí.

Do vậy, cẩn trọng luôn là cần thiết. Có những đột phá rất hay nhưng cũng có những đột phá mang lại hậu quả lớn. Làm sao quyết đúng thẩm quyền, đúng bổn phận trách nhiệm, công khai minh bạch, không tư túi.

Cẩn trọng khác, và không dám làm lại là câu chuyện khác. Như tôi lấy ví dụ ở trên, nhìn thấy vụ tai nạn thì lái xe phải cẩn trọng nhưng không có nghĩa là dừng lại, không đi nữa.

Vậy ông có kiến nghị cụ thể gì về cơ chế chính sách để DNNN “dễ thở” hơn?

Cần tăng cường phân cấp, đẩy mạnh hậu kiểm, gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể minh bạch hơn. Ngoài ra, các đề xuất vương mắc cơ chế chính sách của doanh nghiệp nếu có phải sửa đổi nhanh nhất. Sửa đổi chậm sẽ làm mất cơ hội doanh nghiệp.

Nói về câu chuyện cơ hội, cạnh tranh. Hàng không ngày càng phát triển với nhiều hãng bay mới ra đời, dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai, hứa hẹn sự cạnh tranh rất lớn đối với đường sắt, thưa ông?

Mỗi một phương thức vận tải có một thế mạnh ở từng phân khúc, từng thị trường. Lợi thế của đường sắt là cự li hay loại hàng hoá vận chuyển. Nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao với vận tốc 300km/h thì tôi tin loại hình vận tải này sẽ cực kỳ cạnh tranh.

Tôi ví dụ, nếu đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng mà mất hơn 2 tiếng thì không ai muốn đi máy bay cả. Bởi đi máy bay mất phải tầm 3-4 tiếng và trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như sợ tắc đường không kịp, chờ check in, kiểm soát an ninh... Còn tàu hoà thì chỉ cần đến ga trước 10 phút thôi, lại có cảm giác an toàn.

Đường sắt cũng tiện lợi trong việc xếp dỡ hàng hoá, khách hàng có thể làm việc trên tàu trong lúc chờ di chuyển rất thoải mái. Tôi cho rằng có 100 hãng hàng không cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến đường sắt nếu thiết kế tốc độ cao như vâỵ.

Nếu quy hoạch hệ thống giao thông tốt thì mỗi một cung đường, loại hàng hoá sẽ có những lựa chọn vận tải tối ưu nhất. Tổng chi phí vận chuyển sẽ hợp lí.

Xem ra việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ là “quân át chủ bài” để đường sắt lấy lại ưu thế so với các loại hình vận tải khác?

Về bản chất, nếu nhìn tổng thể thì một phương thức vận tải phải tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phù hợp với các cự li đáp ứng nhu cầu. Phát triển an toàn kinh tế xã hội.

Nhìn ở góc độ tổng thể, không phải sự thuận lợi của ngành này thì là cạnh tranh của ngành kia mà đó là sự hài hoà tổng thể, phương thức nào cũng phát huy được vai trò của mình.

Thực sự đường sắt chỉ có thể thay đổi một cách thu hút hơn nếu đầu tư tốc độ cai 300km/h. Còn giờ đường đơn, tốc độ chậm thì không thể cạnh tranh được với những cự li dài nữa. Đường lại xóc nữa thì quá mất hấp dẫn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh (Thực hiện)