Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Ngày 30/10, Chính phủ sẽ “quyết” gói kích cầu thứ 2
(Dân trí) - Đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc tiếp tục đưa ra gói kích cầu thứ 2 hay không, trao đổi với báo giới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp thường kì tới Chính phủ sẽ bàn và biểu quyết rồi Thủ tướng kết luận…
Thưa ông, Chính phủ có dự định thực hiện gói kích thích kinh tế thứ 2 hay không và nếu có thời gian thực hiện là khi nào?
Theo tôi biết, tại phiên họp Chính phủ thường kì tới đây, Chính phủ sẽ bàn về nội dung này và Thủ tướng sẽ kết luận phiên họp. Tôi cũng có văn bản trình Thủ tướng về vấn đề này và cơ bản tôi ủng hộ quan điểm của UB Kinh tế của Quốc hội.
Nhưng theo quan điểm của ông, liệu nên có gói kích thích kinh tế thứ 2 không?
Chính phủ có 27 thành viên nên phải chờ Chính phủ bàn và biểu quyết, bởi đây là vấn đề lớn của quốc gia, chứ không thể ngành nào quyết định được. Thủ tướng có trao đổi với tôi, ngày 29, 30/10, Thủ tướng sẽ dành thời gian để chủ trì thảo luận về vấn đề này để đưa ra quyết định sớm rồi công bố trước nhân dân.
Thưa ông, trong báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ có 20% doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vừa qua và điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp?
Khi hình thành Quyết định 131/QĐ-TTg (hỗ trợ lãi suất ngắn hạn) đã đặt ra việc giải cứu những khu vực sản xuất và xuất khẩu nên có 13 nhóm đối tượng không được hỗ trợ lãi suất.
Chính vì thế, nói bất bình đẳng không đúng lắm, bởi đây đâu phải là ban phát cho toàn xã hội mà phải chọn lựa những đối tượng để tác động vào kích thích nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu (Ảnh: Việt Hưng)
Gói hỗ trợ vừa có trách nhiệm duy trì được đà tăng trưởng, vừa ngăn chặn được suy giảm để phục hồi dần đà tăng trưởng, đồng thời có nhiệm vụ rất đại sự là khi ổn định sản xuất sẽ tác dụng đến các lĩnh vực khác.
Trong việc cho vay ngắn hạn vừa qua có hiện tượng doanh nghiệp vay từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để hưởng lợi hoặc có doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng nhưng vẫn vay vốn ưu đãi lãi suất?
Nói chung cái đó có, nhưng cũng là hạn hữu. Ngân hàng kiểm tra phát hiện được thì yêu cầu họ thực hiện đúng thôi.
Có nhiều ý kiến cho rằng, gói kích cầu làm lợi cho ngân hàng là chính, còn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận lại khó?
Các bạn cũng nên xem xét thận trọng một số ý kiến. Trước hết, ở đây là hỗ trợ 4% cho doanh nghiệp mà trong văn bản dùng khái niệm tổ chức và cá nhân, đâu có nói hỗ trợ cho ngân hàng. Thứ hai, khi thực hiện chính sách này, các ngân hàng tăng chi phí rất lớn nên đứng về mặt nào đó, các ngân hàng sẽ bị thiệt hơn.
Nhưng các ngân hàng được lợi gì? Cái lợi lớn nhất là nền kinh tế không bị suy giảm, doanh nghiệp không phá sản, nợ quá hạn của ngân hàng không tăng lên. Chứ hỗ trợ ở đây công khai minh bạch, đâu có gì không rõ ràng.
Hỗ trợ 4% lãi suất cho tổ chức và cá nhân vay vốn - như vậy ở đây người ta thụ hưởng trực tiếp, không vấn đề gì khuất tất ở đây.
Nhưng có một thực tế, các bản cáo bạch của các ngân hàng đã lên sàn giao dịch lại công bố tỉ suất lợi nhuận rất cao?
Cao thì chúng ta xem từng ngân hàng. Bây giờ ngân hàng hoạt động đa dạng, tức hoạt động ở các khu vực khác nữa, chứ không phải chỉ làm nghiệp vụ tín dụng truyền thống như trước kia.
Vừa qua đã phát hiện ra 4.000 khoản chi sai ở gói kích cầu thứ nhất, vậy ông có ý kiến gì?
Nói chi sai là không chính xác. Việc cho vay bình thường của các tổ chức tín dụng, qua kiểm tra có sai nhưng ở đây không vi phạm đến mức độ mất mát tài sản hay vi phạm đạo đức.
Ví dụ đối tượng được vay thiếu hóa đơn, nếu không vận dụng sẽ không cho vay, nhưng bây giờ vận dụng thì yêu cầu cam kết một tuần nữa nộp. Khi ngân hàng đi kiểm tra, thiếu hóa đơn này, người ta gọi là sai, đâu phải vi phạm pháp luật.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường