Ngành thuỷ sản Mỹ trả đũa vì cá ba sa được ưa chuộng
"Trong cuộc thi nếm thử chất lượng cá tra, ba sa tại bang Mississippi, sản phẩm từ Việt Nam đã được mến mộ hơn hẳn cá da trơn nội địa. Điều này đã khiến ngành công nghiệp thuỷ sản địa phương giận dữ". Ông Jon Stamell - Giám đốc Công ty tư vấn Stamell & Associates (Mỹ), người từng tham gia đề án xây dựng và quảng bá thương hiệu cá tra, cá ba sa tại thị trường Mỹ nhận định.
Cá ba sa Việt Nam đã bị áp đặt thuế bán phá giá, giờ lại có nguy cơ bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấm bán tại Mỹ? Vì sao cá ba sa lại trở thành mục tiêu nhạy cảm như vậy, thưa ông?
Đây là động thái chính trị tại Mỹ, nơi những cộng đồng thiểu số mạnh miệng đang lấn lướt trong chính quyền, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Hiện ngành công nghiệp cá da trơn tại các bang miền nam của Mỹ đang phản ứng như một con thú bị thương và vùng vẫy bằng bất cứ giá nào, để loại bỏ những vật cản đường.
Điều đáng nói là họ nhìn Việt Nam như một đối thủ đáng gờm. Và những động thái trên thường được sử dụng để chống lại bất cứ quốc gia nào có những sản phẩm vượt trội tại Mỹ.
Như vậy, cá ba sa Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Mỹ?
Tôi nghĩ, tác giả của đòn trả đũa này từ phía các nghị sĩ thuộc 3 bang miền nam Arkansas, Alabama và Mississippi, hơn là từ phía FDA. Vì theo luật pháp, FDA sẽ phải đưa ra phản ứng khi nhận được khiếu nại từ phía quốc hội, dù rằng đơn kiện đó có cơ sở hay không. Những nghị sĩ như Mike Ross - thuộc bang Arkansas, người đệ đơn cáo buộc cá ba sa Việt Nam có dư lượng kháng sinh - thường nghĩ rằng phải bảo vệ quyền lợi của bang mình bằng mọi giá.
Phải nói thêm là 3 bang miền nam kể trên đều được xem là nghèo nhất của Mỹ. Đầu tư của họ vào giáo dục và công nghệ thấp hơn so với hầu hết những bang khác. Hậu quả là ngành công nghiệp cá da trơn của họ trở nên thụ động, hơn là nắm thế chủ động.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ tỏ ra ưa chuộng cá ba sa Việt Nam và có thể quay lưng lại với sản phẩm nội địa. Điều này khiến ngành công nghiệp thuỷ sản địa phương giận dữ và đã nỗ lực vận dụng pháp luật để buộc Việt Nam không được sử dụng tên "catfish" ba sa. Tuy họ giành phần thắng trong vụ kiện chống bán phá giá, nhưng thực tế người tiêu dùng Mỹ vẫn dành cảm tình cho cá ba sa Việt Nam.
Ông có nghĩ rằng, cá ba sa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất chỗ tại thị trường Mỹ?
Thị trường Mỹ rất cần sự kiên trì, bền bỉ. Những động thái phản đòn trên của ngành công nghiệp thuỷ sản Mỹ chỉ là một sách lược ngắn hạn. Về lâu dài, ai có chiến lược tốt, người đó sẽ giành chiến thắng.
Việt Nam nên nghiên cứu kỹ hơn thị trường Mỹ, và đưa ra một chiến lược dài hạn, được hỗ trợ bởi thương hiệu và những chiến dịch hậu cần tốt nhất có thể. Như vậy, xuất khẩu cá ba sa sang Mỹ sẽ được tái khôi phục, và Việt Nam sẽ phát triển được một thị trường tuyệt vời cho cá tra, cá ba sa tại đây.
Là người có tham vọng được tham gia quảng bá thương hiệu cho cá tra, cá ba sa tại Mỹ, theo ông, Việt Nam cần có bước chuẩn bị như thế nào?
Điều tiên quyết là ngành công nghiệp cá ba sa Việt Nam cần phải nghiên cứu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và chất lượng của mỗi nước mà nó hướng mũi nhọn xuất khẩu tới. Ngay cả khi cá ba sa của Việt Nam không có dư lượng kháng sinh, ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn cần phải cẩn trọng ở mức tối đa để không tái diễn những lời cáo buộc trên.
Theo tôi, Việt Nam không nên gắn liền cái tên "catfish" với ba sa, vì chất lượng của cá ba sa, cá tra Việt Nam đã được chứng nhận. Việt Nam cũng nên kiểm soát việc cung cấp cá ba sa vào thị trường Mỹ bằng cách thông qua một nhà nhập khẩu chính, và sau đó có thể tái phân phối. Lợi thế của nó là toàn bộ sản phẩm cá ba sa, cá tra sẽ được kiểm tra về chất lượng, về độ an toàn và phù hợp với quy chuẩn của luật pháp Mỹ.
Tôi cho rằng, ngay cả khi diễn biến vụ việc có xấu đi trong thời gian ngắn, cá ba sa vẫn có thể giành phần thắng tại thị trường Mỹ, nếu Việt Nam lập ra được một chiến lược dài hơi và sử dụng nó một cách hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Thuỷ
Báo Lao động