1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngành thép, xi măng khó tránh mua điện giá đắt

(Dân trí) - Mặc dù phản ứng gay gắt với việc bị “phân biệt đối xử” khi chịu biểu giá riêng trong dự thảo giá điện bán lẻ mới và dù dự thảo vẫn chưa được trình Thủ tướng quyết định, song nhiều khả năng, ngành thép, xi măng khó tránh khỏi mua điện giá đắt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đăng tải những trao đổi của Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang xung quanh Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Cục Điều tiết điện lực soạn thảo, trong đó dự kiến quy định mức giá điện riêng cho ngành thép và xi măng cao hơn các ngành kinh tế khác.

Theo nhận xét của Thứ trưởng Quang, thép và xi măng là 2 ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%) và đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

Việc đầu tư quá lớn vào 2 ngành này trong thời gian vừa qua được cho là đã dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí vốn đầu tư của xã hội, có một phần nguyên nhân là do giá điện còn thấp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, giá điện thấp dẫn đến một số trường hợp sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Sau khi xem xét, đánh giá hiệu quả sử dụng điện của ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương thấy rằng, trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng còn cao (gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực).

Một số nhà máy (cả trong ngành Thép và Xi măng) xét về mặt công nghệ/thiết bị hoàn toàn không thua kém các nhà máy hiện đại nhất ở nước ngoài, song tiêu thụ điện năng (và cả các nguyên vật liệu khác) cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn khá nhiều. 

Ngành thép, xi măng khó tránh mua điện giá đắt
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Việc áp dụng giá điện riêng sẽ góp phần đưa việc quản lý các quy hoạch thép và xi măng đi vào nề nếp (Ảnh: EVN).

Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, trong khi giá điện chưa hoàn toàn được thị trường hóa thì việc quy định mức giá bán điện cho các ngành này cao hơn so với mức trung bình của các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc các nhà sản xuất phải áp dụng mọi biện pháp (cả về quản lý lẫn kỹ thuật - công nghệ) để tiết kiệm điện. Ngoài ra, việc áp mức giá bán điện khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình tiếp nhận, nghiên cứu mọi ý kiến phản hồi về đề xuất trên và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đến hai ngành này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, Hiệp hội Thép và Hiệp hội Xi măng đã có phản ứng khá mạnh mẽ trước việc bị “phân biệt đối xử” khi Bộ Công thương có biểu giá riêng cho hai ngành này trong dự thảo “quy định về cơ cấu biểu giá bán điện”.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng nói: “Các DN nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng Việt Nam không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác”.

Còn ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khẳng định, công nghệ của ngành này và mức tiêu hao điện năng ngang bằng với các nước trong khu vực, ở mức “trung bình tiên tiến”.

Thứ trưởng Lê Dương Quang nhìn nhận, đối với các nhà máy đã đầu tư thì việc tranh luận về công nghệ lạc hậu hay tiên tiến cũng không giải quyết được vấn đề gì nhiều. Quan trọng là với những gì đã có trong tay cần phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, tổ chức sản xuất lại, áp dụng giải pháp gì... để có thể nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào (trong đó có năng lượng). 

“Tôi xin đơn cử 1 ví dụ nhỏ: Việc lắp thêm một bộ biến tần cho các thiết bị công suất điện lớn là một việc không quá phức tạp, không đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng lại cho hiệu quả cao trong việc tiết kiệm điện, vậy mà không mấy cơ sở sản xuất quan tâm”, Thứ trưởng Quang nhận xét.

Ông cũng cho rằng, việc áp dụng mức giá riêng cho 2 ngành thép và xi măng trước hết sẽ buộc các cơ sở sản xuất  phải áp dụng triệt để mọi biện pháp để tiết kiệm điện năng, qua đó giảm áp lực về cung cấp điện (trong khi chưa thiết lập được một thị trường điện hoàn chỉnh), hướng tới một cơ cấu sử dụng điện hợp lý hơn và có điều kiện phục vụ tốt hơn những đối tượng khác trong xã hội.

Ngoài ra, việc áp dụng giá điện riêng cũng sẽ góp phần đưa việc quản lý các quy hoạch thép và xi măng đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Trong phiên họp báo thường kỳ tháng 7 vừa rồi, người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc giá điện ở mức thấp, vô hình trung đã bao cấp cho những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, trong đó có ngành công nghiệp cán thép.

“Có thể thấy rõ, có một thời rộ lên nền công nghiệp cán thép, cứ nấu thép phế phẩm, các loại thép kém chất lượng bởi vì giá điện thấp. Họ lãi chính là lãi ở chênh lệch giá điện, và vô hình chung chúng ta bao cấp cho họ”.

Bích Diệp