Thép Trung Quốc "phá giá" vào Việt Nam:

Ngành thép nội chưa tìm ra “thuốc chữa”

Hàng ngàn tấn thép cuộn giá rẻ đến bất ngờ đang nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam (VN) làm cho ngành công nghiệp luyện cán thép choáng váng. Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng này, ngành luyện cán thép xây dựng Việt Nam có nguy cơ phá sản.

“Sóng thần” nhờ trợ giá

 

Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường cho biết: Ngay khi phát hiện, Cty gang thép Thái Nguyên đã gọi điện báo cáo hiệp hội đề nghị có phản ứng trước hiện tượng mặt hàng thép cuộn của Trung Quốc giá rẻ đang nhập khẩu (NK) ồ ạt vào VN, phá vỡ tình hình tiêu thụ sản phẩm của các DN luyện cán thép trong nước.

 

Qua xác minh, hiệp hội đã xác định việc NK thép cuộn xây dựng từ TQ vào VN qua cảng Hải Phòng và ga Yên Viên (Hà Nội) là có thật, với số lượng ban đầu khoảng 5.000 tấn. Và những ngày tới, một lượng thép xây dựng NK khoảng 10.000 tấn nữa sẽ tràn qua biên giới.

 

Tình trạng NK ồ ạt thép xây dựng từ TQ đang làm “chao đảo” hoạt động sản xuất của các DN thép trong nước. Bởi hiện các DN đang phải NK phôi thép từ TQ với mức giá từ 398 - 409USD/tấn, trong khi thép cuộn thành phẩm được nhập vào VN với giá 380USD/tấn.

 

Nếu quy đổi ra giá bán lẻ, nhà NK chỉ cần bán thép TQ với giá 7,1 triệu đồng/tấn (chưa có VAT) là đã có lãi. Trong khi các DN sau khi NK phôi thép về cán ra thép xây dựng đã có mức giá thành lên tới 7,4 - 7,5 triệu đồng/tấn.

 

Thép NK từ TQ vì có lợi thế cạnh tranh rất lớn đã làm cho thép của các DN trong nước không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn. Về chất lượng thép NK, ông Cường khẳng định: Đây là “hàng xịn” của những hãng thép lớn TQ bán vào VN.

 

Lý giải nguyên nhân, ông Cường cho biết, do TQ đang áp dụng chính sách khuyến khích XK sản phẩm, nên đã giảm thuế VAT đánh vào sản phẩm XK từ 17% xuống còn 6%, trong khi việc XK phôi thép không hề được khuyến khích nên xảy ra tình trạng giá phôi thép cao hơn thép thành phẩm.

 

Với một quốc gia có sản lượng thép gần 400 triệu tấn đang dư thừa năng lực, lại được nhà nước hỗ trợ XK nên sản phẩm thép của TQ làm chao đảo không chỉ riêng thị trường VN mà còn ảnh hưởng tới nhiều nước ở Đông Bắc Á, Trung Á... Hiện tượng này đang được ví như: “Cơn sóng thần thép xây dựng từ TQ”.

 

Chưa có công cụ bảo hộ

 

Khi yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một sản phẩm NK, cần phải xem thị phần NK của mặt hàng đó có chiếm trên 3% tổng thị phần NK hàng hóa đó vào Việt Nam hay không, hàng hóa đó có thực sự bán phá giá vào thị trường Việt Nam, có thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và gây thiệt hại hay không.

 

Để kết luận sản phẩm thép cuộn xuất xứ từ Trung Quốc có bán phá giá trên thị trường Việt Nam hay không, cơ quan điều tra chống bán phá giá của Việt Nam cần phải tiến hành các bước điều tra cần thiết, thu thập thông tin, số liệu thống kê, tính toán giá XK, giá trị thông thường của hàng hoá. (Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Thương mại)

Nhu cầu thép xây dựng của VN đến nay mới chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm, trong lúc ngành luyện cán thép VN đã có công suất khoảng 7 triệu tấn/năm, đã gây tình trạng dư thừa công suất rất lớn.

 

Thị trường thép xây dựng vốn đã nhỏ hẹp nay lại bị thép TQ giá rẻ cạnh tranh, sẽ làm cho tình hình tiêu thụ thép xây dựng càng trở nên khốc liệt, và nếu phía TQ tung vào thị trường VN loại thép cây với mức giá rẻ như thép cuộn thì khả năng “sống còn” của ngành luyện cán thép của VN là khó khăn.

 

Để đối phó, đã có ý kiến đề nghị Hiệp hội Thép kêu gọi các DN trong nước hợp tác cùng bán giá rẻ để ngăn không cho hàng TQ tràn vào. Nhưng điều này không khả thi bởi ngành thép VN phải sản xuất “dài hơi” với số lượng lớn nên sẽ thiệt hại rất lớn, gây ảnh hưởng đến việc làm của hơn 8.000 công nhân trong các DN luyện cán thép.

 

Cũng có ý kiến đề xuất dùng biện pháp kiện thép TQ bán phá giá bởi có hiện tượng trợ giá do giảm thuế. Tuy nhiên, do VN chưa phải là thành viên của WTO nên chưa làm được điều này.

 

Chưa kể, để thực hiện được vụ kiện, các thủ tục rất phức tạp mà các DN thép cũng như hiệp hội chưa chuẩn bị đủ điều kiện. Các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước vẫn chưa hề được các cơ quan chức năng chuẩn bị, nên các DN thép trong nước không có “áo giáp” để bảo vệ, và khả năng đổ vỡ là khó tránh nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

 

Nhằm cứu vãn tình hình, Hiệp hội Thép kêu gọi các DN mở rộng thị trường NK phôi thép để không bị ép giá NK phôi từ TQ; kêu gọi các DN giảm mạnh hơn nữa chi phí cán thép, bởi đang có sự chênh lệch mức chi phí giữa các DN lên tới hàng chục USD/tấn. Nhưng đây chưa phải là biện pháp tối ưu, bởi các dây chuyền công nghệ luyện cán thép của các DN đã lạc hậu.

 

Trong bối cảnh các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường đã có, mặt hàng thép TQ hoàn toàn có quyền vào thị trường VN. Điều này tuy làm các nhà sản xuất thép xây dựng “điêu đứng”, nhưng người tiêu dùng sẽ có lợi bởi được mua thép giá rẻ chất lượng tốt. Đây sẽ là dịp để ngành luyện cán thép VN nhìn lại chính mình và thêm nhiều nỗ lực cạnh tranh.

 

Theo Công Thắng

Báo Lao động