1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành Than lại... "than" khó lên Thủ tướng

(Dân trí) - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có văn bản trình lên Thủ tướng xin giảm thuế xuất khẩu xuống một nửa, còn 10% và cho biết dự kiến, năm 2012 này, Tập đoàn sẽ không có lợi nhuận.

Lý do của đề xuất này, theo báo cáo của Tập đoàn này, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ than và khoáng sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và giá bán đều giảm mạnh so kế hoạch và so cùng kỳ năm 2011.

Đến 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.
Đến 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.

Cụ thể, tiêu thụ than 6 tháng chỉ bằng 43% kế hoạch năm và bằng 87% so cùng kỳ 2011, đạt 19,7 triệu tấn. Doanh thu bán than chỉ đạt 28.100 tỉ đồng, bằng 42% kế hoạch năm, giảm 9% so cùng kỳ.

Trong khi đó, sản xuất và tiêu thụ khoáng sản cũng chỉ ở con số 1.071 tỉ đồng, mới hoàn thành 18% kế hoạch năm do chưa có sản phẩm Alumin và bằng 67% so cùng kỳ.

Về triển vọng trong 6 tháng còn lại của năm, văn bản trình Thủ tướng của Vinacomin cho biết, Tập đoàn khá bi quan với triển vọng năm nay. Dự kiến, tình hình sản xuất và kinh doanh sẽ còn tiếp tục khó khăn, than tiêu thụ trong nước ước giảm 4-5 triệu tấn so kế hoạch (đạt 26-27 triệu tấn). Than xuất khẩu lại đang bị cạnh tranh gay gắt do cung vượt cầu dẫn đến giá giảm mạnh, dự kiến sản lượng khó bù được mức giảm của than tiêu thụ trong nước.
 
Tồn kho than hết tháng 6 của toàn Tập đoàn trên 8,5 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so đầu năm làm tăng chi phí lãi vay. Cộng với yếu tố đầu vào tăng do phí môi trường tăng 4.000 đồng/tấn, thuế bảo vệ môi trường bổ sung 20.000 đồng/tấn đã làm chi phí sản xuất năm nay dự kiến tăng thêm 2.200 tỷ đồng.

Cùng với đó, giá than xuất khẩu giảm so với đầu năm làm doanh thu Vinacomin giảm khoảng 4.000 tỉ đồng. Do vậy, Tập đoàn này cho biết, dự kiến, năm 2012 này, Tập đoàn sẽ không có lợi nhuận.

Sau điều chỉnh giá, vẫn bị "hụt" cho điện 8.000 tỉ đồng

Không chỉ dừng lại đó, Vinacomin tiếp tục "than" khó trong giá bán than cho điện. Cụ thể, từ 1/7 vừa rồi, giá bán than cho điện đã tăng 10-11,5%, song theo tính toán của Tập đoàn, tổng giá than bán cho điện năm nay vẫn mới tăng được gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số giá than cho điện thấp hơn giá thành tới 8.500 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi điều chỉnh giá điện, năm nay, Vinacomin vẫn phải bán than cho sản xuất điện dưới giá thành sản xuất trên 8.000 tỉ đồng mà chưa có nguồn bù đắp.

Ở mảng xuất khẩu, do cạnh tranh trên thị trường thế giới càng ngày càng gia tăng, 5 tháng đầu năm, bình quân Vinacomin đạt 1,5 triệu tấn/tháng và đến tháng 6 thì đã giảm còn 1 triệu tấn. Tính đến 15/7, Tập đoàn mới bán được 250.000 tấn và không có hợp đồng mới. Phía tập đoàn này lo ngại, với xu hướng nêu trên, nửa còn lại của năm, sản lượng xuất khẩu sẽ không đáng kể, chỉ bán lẻ một số chuyến.

Vinacomin cho rằng, mức thuế xuất khẩu than áp 20% hiện nay là quá cao trong khi giá than thế giới giảm mạnh, từ 25-40% so cuối năm 2011. Sau khi trừ thuế xuất khẩu, Tập đoàn cho rằng sẽ không bù đắp được chi phí, nên không thể tăng xuất khẩu được mà đang giảm dần. "Khi đó, Nhà nước cũng không thu được thuế vì không xuất khẩu được than" - văn bản của Vinacomin nêu rõ. Trên cơ sở này, Vinacomin đề xuất Thủ tướng cho phép giảm thuế xuất khẩu xuống một nửa, xuống còn 10%.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo tính toán về cân bằng năng lượng và cân đối giữa yêu cầu phát triển các nhà máy nhiệt điện, dự kiến từ 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.

Theo đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành nghiên cứu việc nhập khẩu than từ bên ngoài. Australia, Indonesia, Nga là các quốc gia có khả năng đảm bảo cung ứng than dài hạn.

Trước mắt, có thể ký hợp đồng mua than dài hạn vài chục năm. Lâu dài, các nước sẵn sàng hợp tác đầu tư khai thác vào những mỏ than ở khu vực đó. Bộ trưởng Hoàng khẳng định, nguồn than từ bên ngoài để đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai chắc chắn đảm bảo được.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm