Ngành quảng cáo "nội" sẽ thua vì những rào cản vô lý

Số liệu từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) có thấy cả nước hiện có 3.000 doanh nghiệp quảng cáo, trong số đó chỉ có 30 doanh nghiệp nước ngoài. Nghịch lý là, con số 30 này lại chiếm đến 80% doanh thu từ thị trường quảng cáo hiện nay tại Việt Nam.

Tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều khi theo cam kết tại Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, sau năm 2007, Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn ngành dịch vụ quảng cáo cho các nhà đầu tư Mỹ, tương tự, khi gia nhập WTO việc mở cửa nói trên cũng sẽ được áp dụng với tất cả các thành viên của WTO nếu không có cam kết gì khác.

 

Khi ấy, riêng việc các công ty nước ngoài được trực tiếp ký hợp đồng quảng cáo với báo, đài mà không phải thông qua công ty quảng cáo trong nước, thì liệu 20% doanh thu có được như hiện nay có bị suy giảm?

 

Điều dễ nhận thấy là, với 3 loại hình hoạt động quảng cáo hiện nay, thì loại hình thực hiện những hợp đồng trọn gói có doanh thu cao nhất nhưng số doanh nghiệp tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Loại thứ hai, với số lượng khoảng vài chục, gồm những công ty chỉ chuyên về lĩnh vực nhất định quảng cáo ngoài trời, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện…

 

Loại thứ ba nhiều nhất, chủ yếu làm gia công lại hộp đèn, bảng hiệu… hoặc thuộc những lĩnh vực phụ trợ cho quảng cáo như thiết kế, in ấn… Loại hình này đông về số lượng nhưng thuộc thành phần kinh tế siêu nhỏ và siêu cả nghiệp vụ thấp.

 

WTO đang cận kề, sẽ kéo theo những thay đổi của thị trường quảng cáo Việt Nam. Nó sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư mới. Mà càng đầu tư nhiều thì chi phí quảng cáo càng tăng.

Theo ước tính, năm 2005, quảng cáo trên báo, đài chiếm khoảng 312 triệu USD. Mức doanh thu này có khả năng sẽ bị chi phối khi xu thế quảng cáo trực tuyến thông qua internet đang có chiều hướng gia tăng.

 

Ba yếu tố để tạo ra hiệu ứng tích cực của quảng cáo là:

 

Thứ nhất, tần suất, nếu một quảng cáo xuất hiện nhiều lần thì sẽ được mọi người biết tới và ghi nhớ.

 

Thứ hai, nội dung của quảng cáo, mọi người không đếm số lần quảng cáo mà chỉ nhớ ấn tượng mà nó tạo ra.

 

Cuối cùng là môi trường hay phương tiện quảng cáo.

 

Quảng cáo trên truyền hình, báo, tạp chí, bảng hiệu, hộp đèn hay đài phát thanh sẽ tạo ra những hiệu ứng khác nhau với người nhận thông tin. Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay cả đơn vị tham gia quảng cáo và đơn vị thực hiện quảng cáo đều chưa thoả mãn được ba yếu tố trên.

 

Theo nhiều ý kiến, chọn cách thức quảng cáo sao cho hiệu quả là việc làm khó, bởi không phải hình ảnh, thông tin, thời điểm nào cũng để lại ấn tượng cho người tiêu dùng. Với mức giá quảng cáo khoảng 15 - 30 triệu đồng cho một trang màu trên các báo lớn hoặc 30 giây quảng cáo trên truyền hình hiện nay, nhiều nhà quản lý sẽ đặt câu hỏi: “Liệu ngưng một vài trang hoặc vài lần phát hình quảng cáo thì doanh số lợi nhuận có bị ảnh hưởng không?”.

 

Câu trả lời quả không đơn giản vì có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận. Cho nên, công tác quảng cáo không phải là một thứ hoạt động kiểu “đánh quả”, còn không đạt doanh số, lợi nhuận như mong đợi thì xoá bỏ hoặc chuyển cách làm khác.

 

Nói tóm lại, để cho ngành quảng cáo Việt Nam, mà cụ thể là các doanh nghiệp quảng cáo trong nước phát triển mạnh và không bị thua thiệt trong thời gian tới, ngoài việc cần biết tận dụng thời cơ, tận dụng được nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn… thì cần xoá bỏ những rào cản vô lý trong lĩnh vực quảng cáo để trả nó về đúng vị trí. Âu đó cũng là mong ước của ngành quảng cáo Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập

 

Theo L.H.Môn

Báo SGTT